Vị cay thương nhớ

Xứ Huế lắm nắng nhiều mưa và mùa mưa Huế thường kéo dài đến gần nửa năm, chưa kể dăm ba ngày mưa cắc cớ chen vào những tháng nắng. Mà cứ mưa xuống là lạnh. Cái lạnh kèm độ ẩm khá cao rất đặc trưng của Huế cứ buôn buốt từ chân tóc vào đến ruột gan, không chỉ với những người phải dãi dầu mưu sinh mà còn với bất cứ ai đã từng ở, từng sống và gắn bó với mảnh đất hiền hòa này từ bao đời đã thiệt thòi cam chịu những khắc nghiệt của thời tiết.

Những ngày mưa dài cũng đồng nghĩa với khó khăn khi nhiều công việc phải lệ thuộc vào thời tiết, nên mùa mưa cũng là mùa của thiếu hụt. Mâm cơm không mấy cá thịt sẽ tăng thêm chút mặn và cay vào các món ăn dân dã để kích thích vị giác, dễ đưa cơm và cũng để chống lại cái lạnh dai dẳng triền miên. Đó là vắt dưa chuối chấm với nước ruốc kho nổi váng có nhiều tóp mỡ cùng ớt bột. Đó là chén muối sả thơm lừng đậm đà vị ruốc sả và ớt. Có khi là trách cá lụt kho với nhiều ném lá, nghệ tươi, hạt tiêu, và cũng rất nhiều ớt bột, ớt trái... Có thể vì vậy mà mùa đông xứ Huế phần nào được ấm lại, những nụ cười bớt tê tái trong mưa. Khẩu vị của người Huế cũng do đó mà đặc biệt, khác hẳn các nơi. Vào Nam ít ngày, người Huế không quen vị ngọt của đường và vị ngậy của cốt dừa; ra Bắc tìm quán hàng ăn hỏi xin trái ớt, mà là ớt cay và thơm thứ thiệt, nhiều khi cũng khó. Dĩ nhiên là các tín đồ ăn cay sẽ cho mọi người thấy những ưu điểm của ớt như là kích thích vị giác, lưu thông tim mạch, con gái ăn cay vào sẽ đỏ hồng môi má, mắt ướt long lanh, và còn nhiều cái hay ho nữa mà do ưu ái với thứ gia vị này nên họ sẽ luôn nghĩ ra.

Bắt đầu buổi sáng mưa lạnh bằng một tô bún bò hay cơm hến, bánh canh vừa nóng vừa cay, đi dưới mưa vẫn thấy ấm người và có cảm hứng nhìn trời mà yêu mưa Huế, có động lực sẵn sàng bước vào một ngày với nhiều công việc phía trước.

Nhiều người xa Huế vào Nam đã lâu, từng có lần nói lên một điều ao ước rất nhỏ bé và giản dị, mới nghe là đã thấy cả trời thương nhớ: Mong có chút mưa lạnh để được "diện" áo len, được ăn một tô cơm hến "cay xé họng" của quán Huế giữa phương Nam. Món Huế thì trong này không thiếu, nhưng phải mưa và lạnh như Huế thì ăn cay mới đã.

Đó, cái vị cay chừng như cũng biết gây thương nhớ. Không nhớ thương sao được khi những người sinh ra và lớn lên trên xứ sở từng đi vào câu hát Quê hương em nghèo lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn, đã thấm vào máu thịt cái chất mặn vị cay lam lũ, đã sinh dưỡng những đứa con biết vươn lên từ nghèo khó để trưởng thành, để mạnh mẽ nói lời yêu Huế bằng chính bàn tay và khối óc, dù ở với quê mình hay đi bất cứ nơi đâu.

Duyên Sanh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/vi-cay-thuong-nho-149666.html