'Vị đắng' cam sành

Cây cam sành có một thời gian đã hiện thực hóa được giấc mộng làm giàu của một số nông dân tại ĐBSCL. Thế nhưng giờ đây, khi nhắc đến cam sành nhiều nông dân chỉ biết ngao ngán đầy chua xót.

Vỡ mộng làm giàu

Cam sành, một giống cây ăn trái có múi đã được trồng rải rác từ khá lâu tại một số địa phương vùng ĐBSCL. Mặc dù vậy, loại cây ăn trái này nổi lên như một hiện tượng khi trở thành “cây bạc tỷ” từ giai đoạn 2013-2020. Thời điểm này, nhiều nông dân chân đất trồng cam sành trở thành “đại gia”, với lợi nhuận từ hàng trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm là chuyện thường. Cũng từ đây, giấc mộng làm giàu từ cam sành của nông dân cũng được thổi bùng lên.

Không phải bỗng dưng cây cam sành mang sức hút đặc biệt lớn đối với giấc mộng làm giàu của nông dân như vậy. Nhờ thích nghi tốt với thổ nhưỡng đồng bằng, cho năng suất cao và bán được giá (từ 15.000 đồng đến trên 25.000 đồng/kg), nên cam sành lúc bấy giờ mang về lợi nhuận rất cao. Lợi nhuận từ cam sành hấp dẫn đến nỗi nhiều nhà vườn ồ ạt đốn bỏ cây trồng truyền thống, thậm chí đổ xô đi thuê đất với giá cao để trồng cam.

Nông dân tại Vĩnh Long thu hoạch cam sành. Ảnh: TUẤN QUANG

Nông dân tại Vĩnh Long thu hoạch cam sành. Ảnh: TUẤN QUANG

Anh Võ Thành Nhân (nông dân trồng cam sành tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, người trồng cam thu về lợi nhuận rất cao, có thể gọi là thời hoàng kim của cam sành. Sau mỗi vụ thu hoạch cam, các hộ kiếm lời bạc tỷ là khỏe re. Cũng vì vậy mà nhà nhà đều chuyển sang trồng cam sành, như một phong trào lan rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, mấy năm nay, cam rớt giá thê thảm, có khi thương lái không thu mua phải hái bỏ, nhiều người lâm cảnh nợ nần chồng chất phải bỏ xứ đi. Hiện một số hộ dân trồng cam đã hụt vốn, mang sổ đỏ ra ngân hàng với hy vọng cầm cự thêm một vài mùa cam, nhưng giờ ngân hàng nghe tới cam cũng lắc đầu từ chối cho vay.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có diện tích trồng cam 9.000ha (tăng hơn 1.000ha so với năm 2015). Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, diện tích trồng cam sành toàn tỉnh Vĩnh Long đã đạt hơn 18.000ha, tăng gấp đôi so với quy hoạch được duyệt. Trong đó, diện tích trồng tập trung nhiều nhất tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm…

Diện tích trồng cam sành tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn, cộng với kỹ thuật canh tác thâm canh đã khiến sản lượng cam sành tăng vọt. Với năng suất trung bình đạt từ 70-90 tấn/ha, tỉnh Vĩnh Long hiện có sản lượng cam sành hơn 1 triệu tấn/năm. Sản lượng tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu theo quy luật của thị trường. Do vậy, nhiều năm liên tiếp gần đây, cam sành luôn rơi vào cảnh rớt giá chỉ còn vài ngàn đồng, thậm chí không có thương lái thu mua, phải “giải cứu” và tất nhiên người trồng cam phải nhận vị chua, vị đắng mà không phải vị ngọt từ cam như trước. Không chỉ vỡ mộng làm giàu, nhiều nông dân trồng cam đang phải vướng vào cảnh nợ nần chồng chất.

Nan giải bài toán cung - cầu

Theo ghi nhận, không chỉ tỉnh Vĩnh Long có diện tích trồng cam sành tăng mất kiểm soát, mà một số địa phương khác trong vùng ĐBSCL như: Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre… cũng có diện tích cam tăng mạnh. Cụ thể, tại tỉnh Trà Vinh hiện có trên 3.400ha diện tích trồng cam sành, trong đó huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh, với trên 2.600ha, tăng khoảng 1.200ha so với năm 2018.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết, nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh là do nông dân mở rộng diện tích sản xuất tự phát quá nhiều, chạy theo phong trào, không theo quy hoạch của địa phương, khiến sản lượng tăng mạnh dẫn đến cung vượt cầu. Trước đây, thị trường miền Bắc tiêu thụ rất mạnh, nhưng giờ họ đã tăng diện tích trồng cam rất nhiều, với khí hậu thuận lợi nên cam miền Bắc có màu vàng, chất lượng ngon hơn nên cam từ các tỉnh ĐBSCL không còn lợi thế. Đặc biệt, đáng nói là cam sành hiện chỉ có một kênh tiêu thụ trong nước, chưa xuất khẩu chính thức. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không tăng diện tích trồng cam sành, do lo ngại cung vượt cầu.

Tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), nơi có diện tích trồng cam sành lớn nhất vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN-PTNT huyện thông tin: Một tín hiệu mừng là đến thời điểm hiện tại diện tích trồng mới cam sành trên địa bàn đã chững lại, không còn tình trạng trồng ồ ạt, mất kiểm soát như trước đây. Nguyên nhân do nhiều vụ liên tiếp cam bị rớt giá thê thảm, nên người dân đã ý thức không còn trồng theo phong trào. Hiện giá cam thu mua tại vườn rơi vào khoảng 5.000-8.000 đồng/kg, với mức giá này người trồng cam cơ bản trụ được cho vụ mùa sau. Thời gian tới ngành nông nghiệp huyện đang hướng dẫn, vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, triển khai cấp mã số vùng trồng… để cam sành có thể đáp ứng các thị trường khó tính, dần giải quyết đầu ra cho người nông dân.

Mặc dù vậy, theo dự báo từ các chuyên gia, trong những năm tiếp theo, giá cam sành sẽ rất khó để tăng trở lại như giai đoạn trước năm 2020, nên người dân cần cân nhắc thận trọng khi mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng chưa có đơn vị, công ty nào đầu tư công nghệ chế biến, chế biến sâu các sản phẩm từ cam sành để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ. Với tổng sản lượng vào khoảng 2 triệu tấn/năm, đây là bài toán cung - cầu đầy thách thức và nan giải hiện nay cho cây cam sành tại vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long.

Theo sggp.org.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202502/vi-dang-cam-sanh-1035126/