Có tiền nhưng quan trọng là phải tiêu được tiền

Để tăng trưởng GDP đạt trên 8%, nguồn vốn dành cho đầu tư công (ĐTC) trong năm nay đã được bố trí tăng lên đáng kể, đây sẽ là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Thi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tiêu tiền phải hiệu quả

ĐTC lâu nay vẫn được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Một phép tính do Tổng cục Thống kê thực hiện, cứ 1 đồng vốn ĐTC sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; cứ giải ngân vốn ĐTC tăng 1% so với năm trước, sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.

Bởi thế, thúc giải ngân ĐTC trong bối cảnh Chính phủ muốn đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 lên trên 8%, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là vô cùng quan trọng.

Do đó, một trong những con số được dư luận đặc biệt quan tâm là nguồn vốn dành cho ĐTC năm 2025 đã được tăng lên rất nhiều so với những năm trước. Theo đó, vốn ĐTC năm 2025 sẽ khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng), cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 vào trước đó.

Còn nhớ trước khi được Quốc hội biểu quyết thông qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương khi ấy đã thẳng thắn nhận xét: “Tiền có rồi, địa chỉ có rồi, nhưng vấn đề là khâu triển khai”.

Hay như Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh (khi ấy là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) đã nói: “Đặc thù của năm 2025 là vốn ĐTC bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư. Nói một cách dễ hiểu, có tiền rồi, vấn đề còn lại là làm sao phải tiêu hết số tiền ấy một cách hiệu quả”.

Trên thực tế, thách thức giải ngân vốn ĐTC trong năm 2025 rất lớn. Lấy dẫn chứng từ số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, trong khi 11 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước (trên 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thì vẫn có 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước.

Tức là dù giải ngân ĐTC đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần nỗ lực “tiêu tiền” hơn nữa, nhất là khi so với năm ngoái nguồn lực ĐTC năm nay cao hơn tới 200.000 tỷ đồng.

“Chạy đua” với thời gian

Tính đến hết tháng 1-2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 830.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, mới chỉ có trên 741.000 tỷ đồng đã được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết, còn lại hơn 84.840 tỷ đồng chưa được phân bổ.

Trong giải ngân vốn ĐTC, TPHCM là địa phương lo nhất, bởi nguồn vốn ĐTC được giao rất lớn. Không chỉ địa phương, hiện cũng có tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đề nghị trả vốn (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) do không có nhu cầu sử dụng.

Trong khi đó, thời gian sẽ không chờ đợi đang trở thành áp lực, nhất là khi 2025 là năm quan trọng cần “chạy đua” để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025). Khi nguồn lực ĐTC dự kiến được tăng tới 875.000 tỷ đồng, không còn cách nào khác phải gấp rút thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm.

Để thúc đẩy giải ngân, ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát hiện trường 2 dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và chỉ đạo tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy 2 dự án cao tốc này.

Trước đó, Thủ tướng cũng đến công trường các dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường Vành đai 3 TPHCM, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM để đốc thúc tiến độ…

Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị nỗ lực tăng tốc, bứt phá, thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tất cả vì sự phát triển đất nước.

Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh đến việc quản lý và triển khai các chương trình, dự án ĐTC ngay từ đầu năm 2025 với một số điểm quan trọng cần được làm rõ.

Thứ nhất, lập kế hoạch chi tiết và phân bổ vốn đầu tư hợp lý, trong đó xác định danh mục dự án ưu tiên, có tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên bao gồm tính cấp thiết, hiệu quả kinh tế, tác động xã hội, khả năng hoàn thành đúng hạn.

Sau đó phân bổ ngân sách theo từng giai đoạn, tránh tình trạng thiếu hụt vốn giữa chừng hoặc sử dụng vốn không hiệu quả; đảm bảo dòng tiền ổn định cho từng hạng mục quan trọng; và cân nhắc linh hoạt điều chỉnh ngân sách khi cần thiết.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, chuẩn hóa hồ sơ thiết kế và dự toán; áp dụng công nghệ và phần mềm quản lý dự án để tăng độ chính xác; thẩm định kỹ lưỡng, tránh tình trạng điều chỉnh, phát sinh chi phí không cần thiết.

Đặc biệt, tăng cường tính minh bạch và kiểm soát ngay từ đầu thông qua việc xây dựng quy trình thẩm định khoa học, tránh tình trạng “rải vốn” hoặc đầu tư dàn trải. Công khai thông tin dự án để người dân và cơ quan giám sát có thể theo dõi.

Thứ ba, rà soát vốn đầu tư và đảm bảo tính thực tiễn như kiểm tra tính khả thi của dự án dựa trên dữ liệu thực tế, không dựa vào dự báo mơ hồ, đánh giá năng lực của đơn vị thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ.

Có thể ứng dụng công nghệ trong quản lý ĐTC, sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa nguồn vốn, theo dõi tiến độ bằng phần mềm quản lý dự án, cảnh báo sớm các rủi ro.

Thứ tư, nâng cao vai trò của các bộ, ngành và địa phương, phân quyền và phối hợp hiệu quả. Trong đó, các bộ, ngành phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ, về phía địa phương chủ động đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án.

Xây dựng quy chế thưởng - phạt trong quá trình triển khai dự án, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị thi công có uy tín tham gia.

Thứ năm, tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu dự án, xây dựng cơ chế giám sát độc lập để tránh tiêu cực, tham nhũng, học tập mô hình thành công từ các quốc gia khác.

Chủ trương, chính sách đã có, vấn đề còn lại là cách làm. Mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã được đặt ra trong năm 2025. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực để thực hiện mục tiêu này với những biện pháp như thế nào.

HOÀNG SƠN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/co-tien-nhung-quan-trong-la-phai-tieu-duoc-tien-post120762.html