Vì đâu nhiều ngành hàng tỷ USD của Việt Nam 'mong manh'?

Nhiều doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ thua lỗ vì thiếu nguyên liệu do đối tác Tây Phi 'xù hợp đồng', đòi tăng giá. Nguyên nhân khiến ngành điều lao đao bởi phụ thuộc 90% vào nguyên liệu nhập khẩu. Câu chuyện của ngành điều cũng là lời cảnh tỉnh cho các ngành công nghiệp khác hiện nay về việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Một ngành công nghiệp chế biến điều mỗi năm xuất hơn 3 tỷ USD nhưng cũng chi số tiền gần bằng như vậy để nhập khẩu (NK) nguyên liệu thô. Dẫn đến khi thị trường NK có biến động, doanh nghiệp (DN) Việt “trở tay” không kịp.

Từ câu chuyện của ngành điều

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, nhận được phản ánh của các hội viên về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh. Mỗi năm, Việt Nam NK hơn 3 triệu tấn điều thô, trong đó nguồn từ châu Phi khoảng 2,2 triệu tấn (chủ yếu là Tây Phi), nguồn cung trong nước chỉ chiếm khoảng 10%.

Ngành điều lao đao vì phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Ngành điều lao đao vì phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

"Việt Nam phải nhập hơn 90% lượng điều thô để phục vụ cho chế biến, trong đó riêng Tây Phi chiếm 70 - 75% (khoảng 2,3 triệu tấn/năm). Do đó, nếu tình trạng này kéo dài, khả năng trong quý III và IV ngành điều sẽ gặp khó khăn lớn, thua lỗ vì thiếu nguyên liệu, thậm chí tình trạng này có thể kéo dài sang quý I/2025", theo đại diện Vinacas.

Vào tháng 2, giá điều thô chỉ khoảng 1.000 – 1.050 USD/tấn, đến tháng 5 đã lên 1.500 – 1.550 USD/tấn. Do đó, các nhà xuất khẩu tìm cách trì hoãn giao hàng, đòi hỗ trợ tăng giá và theo thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 50% lượng hàng được giao theo hợp đồng.

Nói thêm về nguyên nhân, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, do bị thất thu lợi nhuận rất lớn nên nhiều DN đối tác đã không cần giữ thương hiệu, uy tín mà chỉ cần giữ lợi nhuận và họ đã “xù hàng” của DN Việt.

Cũng theo ông Nhựt, các DN này đã đưa ra nhiều điều kiện để giao hàng theo hợp đồng đã ký kết. Trong đó, yêu cầu DN nhập khẩu của Việt Nam phải trợ giá bằng việc chia đôi phần giá tăng, tức là DN Việt phải chi trả thêm từ 200 - 300 USD/tấn. Hoặc, họ sẽ đóng hàng kém chất lượng để cấn trừ chất lượng, nhằm không bị thiệt thòi về giá chênh lệch.

Bên cạnh đó, một tình trạng "lật kèo" khác cũng đang diễn ra là những đơn hàng đang hành trình trên biển để giao đến cho các DN Việt Nam bị đổi chứng từ ngay trên tàu. Thay vì giao đến cho DN Việt Nam thì họ lại bán cho đối tác khác, nên DN Việt không nhận được hàng theo hợp đồng.

Dẫn đến, các DN Việt Nam đang bị động và không thể xoay xở kịp khi các đối tác cố ý lật kèo theo chủ ý. DN Việt cũng không thể mua hạt điều thô của các nước đối tác nào khác tại thời điểm này vì hiện tại hạt điều của Việt Nam đã thu hoạch xong, trong khi hạt điều của Campuchia cũng đã thu hoạch và doanh nghiệp Việt Nam đã thu mua hết.

“Bây giờ, chúng ta dựa vào nguồn hàng chủ yếu từ châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà, còn các nước khác chưa vào vụ. Như vậy, các DN Việt rất bị động và lo lắng không biết đến khi nào chuỗi cung ứng này sẽ bình thường trở lại”, ông Nhựt thông tin.

Tình trạng này đã được Vinacas cảnh báo, tại Đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hiệp hội này đã từng đặt ra lo ngại vị trí dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu của Việt Nam bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu chúng ta không thay đổi.

Trước đây, thị trường điều nhân thế giới chủ yếu được cung cấp bởi Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Việt Nam chiếm hơn 80%. Nhưng gần đây đã nổi lên các nguồn cung khác, nhất là từ một số nước ở châu Phi, khiến thị phần hạt điều Việt Nam trên thị trường toàn cầu giảm.

Vinacas sợ rằng, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI, sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới.

Nghịch lý của ngành điều đã được nêu lên nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, ông rất bất ngờ khi đến thăm vườn điều và biết được thu nhập của nông dân chỉ 40 triệu đồng/năm, thấp hơn cả thu nhập của nông dân trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập thấp khiến nhiều người trồng điều chặt bỏ cây, chuyển sang trồng sầu riêng.

Để giữ vị thế của nhà xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng ngành hàng này cần tái cấu trúc, tính toán lại liên kết từ nông dân, DN đến hiệp hội.

Đến nỗi lo của các ngành công nghiệp

Không chỉ ngành điều, mà nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đang phát triển mất cân đối, phụ thuộc vào bên ngoài. Đơn cử như ngành da giày, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng do phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK cho sản xuất, giá trị gia tăng của ngành thực tế không cao. Số liệu từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho hay, từ năm 2019 – 2023, riêng mặt hàng da thuộc, các DN da giày trong nước nhập khẩu từ 1,6-1,7 tỷ USD/năm, chưa kể tới những phụ liệu khác như đế giày… Trong đó, một phần lớn nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc.

Tương tự, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển mất cân đối, chủ yếu dựa vào mảng sản xuất điện thoại chiếm tới 70%. Mặc dù có vai trò là ngành sản xuất dẫn đầu, tuy nhiên, thị phần xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu linh kiện điện thoại là của DN có vốn đầu tư nước ngoài, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn. Việc NK cũng "mất cân đối hơn" khi có tới 88% linh kiện điện thoại được nhập từ thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc), đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, đánh giá, chuỗi sản xuất của Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoàn thiện. Ví dụ, việc sản xuất tai nghe ở Trung Quốc có hệ sinh thái theo chuỗi hỗ trợ từ thiết kế, nguyên vật liệu, làm khuôn và sản xuất… Thế nên từ khi có ý tưởng ban đầu đến khi ra sản phẩm rất nhanh, chớp được cơ hội thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường nên giá trị của sản phẩm lớn hơn.

Trong khi đó, “Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều nên giá thành đội lên rất cao so với Trung Quốc”, ông Cường thẳng thắn nói.

Để hoàn thiện chuỗi cung ứng ở Việt Nam, ông Trương Thiệu Cường cho rằng đây là xu thế tất yếu. Chính phủ Việt Nam nên có nhiều chính sách để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào cùng hoàn thiện chuỗi cung ứng đó. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo đó, các DN đầu chuỗi vẫn mong muốn trong bối cảnh biến động địa chính trị như hiện nay, Việt Nam cần phải có chính sách hỗ trợ mạnh hơn để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước, thay vì phụ thuộc NK.

Ông Phạm Tuấn Anh

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp vật liệu giúp tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu. Trong đó, có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da giày… Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các DN công nghiệp đầu tàu trong nước. Đồng thời, các hiệp hội, ngành hàng thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau, ưu tiên sử dụng nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Ủy viên Hiệp hội DN điện tử Việt Nam

Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam có đặc thù thâm dụng lao động lớn. Điều này ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động. DN Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành nhưng mới cung cấp được sản phẩm giản đơn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam

Da giày là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước. Thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam gần như không có, dẫn tới nhiều DN trong ngành này đang phải loay hoay đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn. Trong khi đó, bối cảnh thị trường NK sản phẩm da giày đã rất khác, bên cạnh quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do, vẫn phải đáp ứng yêu cầu về bền vững.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vi-dau-nhieu-nganh-hang-ty-usd-cua-viet-nam-mong-manh-1100157.html