Ví điện tử sẽ trở thành siêu ứng dụng trong tương lai
'Nhìn vào tổng quan cạnh tranh hiện nay trong lĩnh vực thương mại điện tử, bước tiến tiếp theo rất có thể là sự ra đời của một siêu ứng dụng', Tiến sĩ Seng Kiong Kok chia sẻ về bước chuyển mình đầy hứa hẹn của thị trường ví điện tử Việt Nam.
Thị trường ví điện tử Việt Nam đạt được nhiều sự tăng trưởng đáng kể
Tiến sĩ Seng Kiong Kok nhận định trong một bài viết gửi cho truyền thông: "Thị trường ví điện tử Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 5 năm từ 2015 - 2020. Kể từ đó, lĩnh vực này vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn, một phần có thể do những bất ổn từ Covid-19 hoặc do thị trường đang bão hòa. Trong khi các ví điện tử hàng đầu như MoMo, ZaloPay hay ShopeePay cũng tiến hành tái cấu trúc trong nội bộ".
Dù thị trường hiện tại khá nhộn nhịp với hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ (tính đến ngày 15/10/2020), các tên tuổi lớn như Momo, Moca và ZaloPay đang thống lĩnh thị trường.
Giảng viên Tài chính Đại học RMIT cũng cho hay, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường ví điện tử, chúng ta chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ví đương nhiệm và tân binh, điển hình là việc các “ông lớn” đang ra sức củng cố vị thế của mình trên thị trường.
"Một xu thế đang hình thành là nhà đầu tư rót vốn thẳng vào hệ sinh thái của các doanh nghiệp chủ chốt hiện đang có mặt trên thị trường thay vì đầu tư vào doanh nghiệp mới. Trong đó phải kể đến việc MoMo gọi vốn thành công 200 triệu đô la Mỹ giữa đại dịch", ông Seng Kiong Kok nói thêm.
Sẽ dần trở thành siêu ứng dụng
Tiến sĩ Seng Kiong Kok cho rằng nếu nhìn vào tổng quan cạnh tranh hiện nay trong lĩnh vực thương mại điện tử (bao gồm thị trường ví điện tử bởi vì tính chất bổ trợ của nó), bước tiến tiếp theo rất có thể là sự ra đời của những siêu ứng dụng.
Ví dụ, một số doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada đang kêu gọi tăng cường tính tích hợp trên thị trường, đồng nghĩa với việc giảm rào cản giữa các nền tảng.
Theo đó, động lực phát triển siêu ứng dụng cũng xuất phát từ thực tế rằng các nền tảng thương mại điện tử (và ví điện tử) về cơ bản có thể thay thế hoàn hảo cho nhau, cho phép người dùng thay đổi hành vi tiêu dùng mà không gây ra hậu quả đáng kể.
Tuy nhiên, cũng vì tính đồng nhất như vậy mà các ví điện tử đang phải "giữ chân" khách hàng bằng cách thiếu rạch ròi hơn, tức là khiến việc rời bỏ ứng dụng trở nên khó khăn hơn thay vì thu hút khách hàng ở lại vì tính hấp dẫn. Chẳng hạn, khách hàng không thể chuyển phần thưởng độc quyền từ ví điện tử này sang ví điện tử khác.
Động lực tạo nên siêu ứng dụng cũng thể hiện ở việc hình thành các quan hệ đối tác chiến lược, đơn cử như “cú bắt tay” giữa MoMo và Gojek gần đây. Đây cũng là kết quả từ mặt bằng cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nhiều khả năng sẽ có thêm các thỏa thuận đối tác chiến lược giữa các nhà cung cấp ví điện tử và nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu.
"Các quan hệ đối tác chiến lược thật sự tạo ra lợi thế cạnh tranh, đặc biệt liên quan đến quy mô hoạt động, công nghệ và năng lực thể chế. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là làm thế nào để quản lý các hoạt động này vì chúng có thể tạo ra các tổ chức lớn, khiến cho việc quản trị và điều hành trở nên phức tạp hơn rất nhiều", ông Seng Kiong Kok nói.
Các ví điện tử vẫn chưa làm tốt quốc tế hóa hoạt động
Theo Tiến sĩ Seng Kiong Kok, điều mà các ví điện tử vẫn chưa làm tốt chính là quốc tế hóa hoạt động. Các phương thức thanh toán kỹ thuật số này vẫn còn mang nặng tính địa phương hoặc khu vực.
Một cách “gỡ khó” là hỗ trợ các tài khoản ngân hàng quốc tế kết nối với ví điện tử và mở quyền truy cập ứng dụng cho người dùng nước ngoài. Nhóm khách hàng này gồm những người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam nhưng sử dụng ngân hàng nước ngoài, và quan trọng hơn là khách du lịch đến Việt Nam bởi đối tượng này có thể chi tiêu rất nhiều.
"Tuy nhiên, việc quốc tế hóa có thể gặp trở ngại do các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế khác nhau, đặc biệt là liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Dẫu vậy, những nỗ lực dung hòa lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu vào đầu những năm 1980 có thể cho chúng ta bài học kinh nghiệm để giải quyết những rào cản quốc tế này", ông nói.
Gần đây đã có một số bước tiến liên quan đến hành lang pháp lý cho thị trường ví điện tử tại Việt Nam mặc dù vậy vẫn cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng.
"Một số dự thảo nghị định có thể sẽ được viết thành luật và giúp mức độ bảo vệ dữ liệu tại Việt Nam trở nên phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế", TS Seng Kiong Kok nhận định.
Một diễn biến đáng chú ý khác là dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech). Cơ chế này sẽ đem đến cho các công ty khởi nghiệp công nghệ một môi trường để tiến hành các cuộc thử nghiệm dịch vụ trực tiếp. Khu vực tư nhân sẽ có môi trường để phát triển và đổi mới các giải pháp cho cả các vấn đề bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, đồng thời các cơ quan quản lý sẽ có môi trường để quan sát tác động của đổi mới và đưa ra điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Tiến sĩ Seng Kiong Kok là giảng viên ngành Tài chính tại Đại học RMIT. Lĩnh vực giảng dạy của ông tập trung vào các chủ đề tài chính cốt lõi như tài chính doanh nghiệp và tài chính quốc tế, quản lý rủi ro tài chính và công cụ phái sinh, và thị trường tài chính. Các lĩnh vực nghiên cứu mà ông quan tâm bao gồm cơ chế quản trị doanh nghiệp trong các hệ thống tài chính thay thế, cấu trúc vi mô của thị trường, ứng dụng và quản trị blockchain.