Vị Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc cả đời chỉ lấy một vợ
Đặc điểm lớn nhất của các vị Hoàng đế Trung Quốc thời cổ đại đó chính là lấy nhiều vợ. Nhưng thực ra lại không hẳn là như vậy, trong hơn 400 vị Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc có một người cả đời chỉ lấy một người vợ duy nhất.
Đặc điểm lớn nhất của các vị Hoàng đế Trung Quốc thời cổ đại đó chính là lấy nhiều vợ, chế độ một vợ một chồng dường như vĩnh viễn không liên quan gì tới họ. Nhưng thực ra lại không hẳn là như vậy, trong hơn 400 vị Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc có một người cả đời chỉ lấy một người vợ duy nhất. Ông chính là Minh Hiếu Tông - Chu Hựu Đường, người vợ duy nhất của ông chính là Trương Hoàng Hậu.
Sở dĩ Chu Hựu Đường làm như vậy là do có liên quan rất lớn tới tuổi thơ cực khổ của ông. Chu Hựu Đường (1470-1505) là vị hoàng đế đời thứ 9 của triều Minh, là con trai thứ ba của Minh Hiến Tông hoàng đế. Trong 23 năm trị vì của mình, Minh Hiến Tông cực kỳ sủng hạnh Vạn Quý Phi. Vạn Quý Phi lớn hơn Minh Hiến Tông mười mấy tuổi, từ nhỏ đã hầu hạ bên cạnh Hiến Tông. Nhưng Vạn Quý Phi không hề xinh đẹp, trong sách sử có ghi chép bà là người phụ nữ có chiếc eo “thùng phuy”, diện mạo già nua như bà thím. Nhưng trước mặt Hiến Tông lại là “hậu cung 3000 giai lệ nhưng chỉ sủng ái một mình nàng”.
Thời trẻ, Vạn Quý Phi từng mang thai một lần nhưng không may sảy thai, vì vấn đề tuổi tác nên không thể sinh đẻ được nữa. Vạn Quý Phi vì thế mà đau lòng vô cùng, đồng thời cũng vô cùng phẫn nộ. Bà đem mọi sự phẫn nộ trút hết lên đầu các phi tần khác, chỉ cần ai có thai mà để bà biết được thì bà sẽ hạ độc hoặc kiếm tội danh nào đó giết chết người đó, ngay cả thái tử cũng không thể thoát được móng vuốt ác quỷ của bà.
Sau khi Kỷ Phi mang thai đã bị Vạn Quý Phi phát hiện, phái người đi hãm hại bà, nhưng may thay Kỷ Phi có mối quan hệ với mọi người rất tốt, cung nữ bị cử tới để hãm hại bà cũng không nỡ ra tay nên đã quay về bẩm báo với Vạn Quý Phi rằng Kỷ Phi là bị mọc u ở trong bụng chứ không phải là mang thai. Cứ như thế, Kỷ Phi đã âm thầm hạ sinh Hoàng đế tương lai là Chu Hựu Đường. Dưới sự che chở, bảo vệ của các cung nữ, tiểu hoàng tử đã lên 6 tuổi, chuyện này trong cung dường như ai cũng biết, nhưng chỉ có Vạn Quý Phi từ đầu đến cuối vẫn không hề biết gì.
Những người con trai của Minh Hiến Tông lần lượt qua đời khiến ông vô cùng đau lòng. Trương Mẫn thấy vậy đã quỳ lạy đất trời kể ra câu chuyện của Kỷ Phi. Những vị thái giám trong Tư Lễ Giám đứng xung quanh cũng làm chứng cho Trương Mẫn. Hiến Tông nghe vậy vui mừng khôn xiết, lập tức sai người đi nghênh đón tiểu hoàng tử. Vạn Quý Phi nghe tin đã khóc lóc tức tưởi, cùng với đó là nỗi uất hận ngút trời, bà nghiến răng thề rằng sẽ báo thù và nhanh chóng hạ độc giết chết Kỷ Phi. Thái Giám Trương Mẫn biết bản thân cũng không thể thoát được, thế nên cũng đã tự vẫn.
Nhưng Chu Hựu Đường lại may mắn mệnh lớn phúc lớn, năm 1475 được phong làm Thái Tử, được Chu Thái Hậu ôm về hậu cung nuôi dưỡng, Vạn Quý Phi đã nhiều lần định mưu hại ông nhưng không thành. Hựu Đường đã lớn lên dưới sự che chở bao bọc của Chu Thái Hậu. Ông được đọc sách, viết chữ, được nghe giảng kinh, được luyện võ, cuối cùng trở thành một vị minh quân, lập nên nền tảng cơ bản vững chắc cho triều Minh.
Một lần, Vạn Quý Phi mời Thái tử tới cung của bà chơi, kêu người mang bánh trái điểm tâm tới mời Hựu Đường như ông không ăn, ông sợ có độc. Vạn Quý Phi lo lắng sau này nếu Hiến Tông không còn thì bản thân cũng khó thoát chết được thế nên đã đặt điều về Hựu Đường trước mặt Hiến Tông. Lúc này, Hiến Tông đã có vài vị hoàng tử rồi, vẫn hoàn toàn có thể phế truất thái tử.
Vạn Quý Phi và thái giám Lương Phương nhiều lần khuyên Hiến Tông cuối cùng đã thuyết phục thành công, kêu ông phế truất thái tử Hựu Đường, lập thái tử mới. Ông cho gọi thái giám Hoài Ân tới để viết thánh chỉ, chẳng ngờ Hoài Ân lập tức dập đầu quỳ lạy, thà chết cũng không làm theo. Hiến Tông bất lực, đành cách chức Chưởng ấn Tư Lễ Giám của Hoài Ân, vẫn tiếp tục có ý định thay đổi thái tử.
Cùng lúc đó, ở Thái Sơn Đông Nhạc xảy ra động đất, Khâm Thiên Giám tấu báo vụ động đất có liên quan tới Thái tử, Hiến Tông mê tín, sợ rằng mình đã đắc tội khiến trời nổi giận, thế nên đã gạt bỏ ý định phế truất Hựu Đường. Vạn Quý Phi mưu đồ phế truất thái tử bất thành, u uất lâm bệnh mà qua đời vào mùa xuân năm Minh Hiến Tông thứ 23. Hiến Tông biết tin, đột nhiên thở dài nói: “Vạn Quý Phi đã đi rồi, ta cũng không sống lâu được nữa”.
Quả nhiên, tháng 4 năm đó, Hiến Tông đã lâm bệnh, tới tháng 7, ông triệu Thái tử tới để giúp mình gánh vác xử lý việc triều chính, tháng 8 Hiến Tông băng hà, đi theo Vạn Quý Phi mà ông yêu thương. Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường kế vị, lấy niên hiệu là Hoằng Trị.
Từ nhỏ Hiếu Tông đã phải trải qua nhiều trắc trở, thập tử nhất sinh. Thế nên sau khi lên ngôi ông vô cùng liêm khiết và hiền minh, đặc biệt là trong sinh hoạt đời tư, có lẽ do bị ảnh hưởng bởi thời niên thiếu, sống trong chốn hậu cung phức tạp, đen tối nên cả đời ông chỉ chung thủy với một người vợ duy nhất là Trương Hoàng Hậu, không hề có bất kỳ phi tử nào. Hiếu Tông và Trương Hoàng Hậu gặp nhau trong hoạn nạn, là một cặp vợ chồng ân ái yêu thương nhau hết mực.
Hàng ngày, cả hai đều ngủ chung giường, đọc thơ vẽ tranh, nghe đàn xem múa, đàm cổ luận kim, ngày đêm đều ở bên nhau. Điều này đã tạo ra một kỷ lục đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc, cũng được coi là một hành động chứng minh cho một đời minh quân lỗi lạc của Chu Hựu Đường.