Vị mặn phù sa

Quê tôi giáp biển, chỉ qua một con đê đã thấy dạt dào sóng nước. Gió thổi quanh năm lồng lộng. Gió hòa với vị mặn của biển tuy làm dịu mát tâm hồn nhưng lại xoa cho nước da thêm sạm sụa đen bóng.

Đôi bàn tay nắm lại lúc nào cũng thấy dấp dính. Vị mặn của biển khơi đã thấm sâu vào từng đường gân thớ thịt săn chắc. Trong hơi thở, trong mồ hôi, nước mắt lúc nào cũng phảng phất hơi mặn. Anh em chúng tôi lớn lên giữa không gian ràn rạt nắng gió ấy. Tất cả đều phổng phao khỏe mạnh như những ngư phủ dạn dày sóng nước.

Bố mẹ tôi sinh được ba người con. Người trong làng vẫn rỉ rả ví von rằng “tam nam bất phú” phải thêm thằng cu nữa cho thành tứ quý. Bố tôi thì bảo không, vì “ba cậy chụm lại nên hòn núi cao”. Miền quê nghèo lam lũ khiến đôi vai bố trĩu nặng khi gồng gánh gia đình nhỏ. Nhưng vì các con, bố không từ nan bất kể việc gì nặng nhọc. Cánh đồng sát chân đê bố nhận của hợp tác xã một mình phăm phăm vạt bờ cày ải. Đất ven biển được phù sa lấp bồi, cuốc một nhát lật lên miếng đất thịt chắc nịch mịn màng. Ấy vậy mà vị mặn ngấm vào đất. Cây lúa cắm xuống phải vươn rễ ra cố tìm lấy chút ngọt ngào của dòng nước mát. Nào đắp đập be bờ, dẫn nước ngọt về cứu lúa, mồ hôi của bố cứ thế nhỏ xuống cánh đồng làng để hạt thóc óng vàng trĩu nặng. Nhọc nhằn vất vả sớm hôm vậy mà trời chẳng chiều lòng người. Có năm mưa bão ngập trắng đồng. Cây lúa bị gió quật xuống mềm oặt đổ chồng lên nhau. Bố phải đẩy thuyền nan mò mẫm dưới nước vớt từng bông lúa. Ì ạch kéo xe lúa về đến nhà, bố ngồi thừ ra. Mẹ nhìn những hạt thóc nảy mầm giấu đi đôi mắt rưng rưng.

Cứu lúa xong bố vác giậm đi đánh cá. Trời làm thiệt hại, bố quyết gỡ lại bằng những giỏ cá đầy ăm ắp. Ngày bé, tôi thường lẽo đẽo theo bố đi dọc con mương nhỏ đánh cá. Bố đặt cái giậm xuống giẫm bập bập vài ba nhát, con cá con tôm thấy động nhao vào giãy tanh tách. Những hôm đó, bữa cơm gia đình có thêm đĩa cá rán, nồi canh rau ngọt lừ. Rồi từng mớ cá, mớ tép mẹ đem ra chợ bán, đổi lại những đồng tiền lẻ cùng cặp bánh, gói xôi. Quà của chúng tôi trong mùa nước lũ được đánh đổi bằng công sức của bố nhọc nhằn nơi bờ sông vũng nước. Sau này bố thầu vùng đầm ngoài đê. Hàng chục mẫu đầm được đắp đất be bờ, dẫn nước về nuôi cá. Bên trên từng hàng chuối tiêu hồng, chuối tây nối tiếp nhau xanh ngút ngàn. Bố cặm cụi dựng lán ngủ đêm trông đầm. Bao công sức đổ ra bù lại là những xác cá bị bệnh nổi trắng mặt đầm. Vụ ấy thất thu, căn nhà nhỏ thêm phần khốn khó.

Đất quê mặn mòi như muốn thử sức người. Bố lại bươn mình cày cục, lúc trên đồng lúa, khi ngoài vùng đầm. Chúng tôi phụ giúp công việc, có thêm những đôi tay trai trẻ, bố vơi bớt nhọc nhằn. Mặc dù vậy, mỗi lần ngồi trong lán nhỏ, bố vẫn bảo anh em tôi rằng: “Đất quê nghèo, các con phải vươn lên. Phải đi những nơi mà bố chưa được đi”. Bố không giữ các con ở bên mình, chúng tôi trưởng thành như những cánh chim mỗi người một phương. Thi thoảng mới có dịp về thăm quê. Cuộc sống đã khấm khá hơn nhưng bố vẫn muốn gắn bó với đồng đất quê hương. Khi nào về ông lại sẵn sàng vác giậm đi đánh cá cho các cháu thưởng thức món quê. Chuối ngoài bãi chặt về chín vàng từng nải cũng để dành cho con cháu. Những khi ấy tôi thấy bố vui hơn, niềm vui của một lão nông gắn bó một đời với đồng bãi. Chúng tôi lên ô tô con về thành phố, bố lững thững chân trần bước theo ra ngõ. Dẫu có đi xa, tôi vẫn nhớ đôi chân nứt nẻ chai sần ấy, đôi chân ngấm bao đất bùn, vị mặn mòi của phù sa, đã qua bao sóng gió nhưng vẫn luôn vững vàng trên mảnh đất quê mình.

VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/vi-man-phu-sa-640716