Vì môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

'An toàn cho phụ nữ và trẻ em' là chủ đề xuyên suốt trong nhiều năm qua được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Để hiện thực hóa chủ đề này, Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều phần việc, hoạt động ý nghĩa.

Kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2020)

“Phòng, chống xâm hại trẻ em” là một trong những nội dung trọng tâm được Hội Phụ nữ tỉnh ưu tiên thực hiện nhằm tạo môi trường an toàn trước những nguy cơ trẻ em đang phải đối mặt như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, tệ nạn xã hội, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Sau 1 năm triển khai, hội phụ nữ các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động, kết nối các nguồn lực để tổ chức những hoạt động hướng tới phụ nữ, trẻ em, như tổ chức hơn 100 buổi truyền thông về chủ đề năm và quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình; kỹ năng làm cha mẹ...; mở 21 lớp tập huấn về quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, an toàn giao thông; tổ chức diễn đàn dạy trẻ em kỹ năng sống, cách tự bảo vệ, phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ, phòng, chống mua bán người, đi xa an toàn, trong đó tập trung vào nhóm trẻ đang học bán trú tại các trường học hoặc có bố mẹ đi làm xa.

Tuyên truyền kỹ năng bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Tuyên truyền kỹ năng bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Ngày hội truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức tại các trường học là một hoạt động thuộc Dự án “Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ, đi xa an toàn cho phụ nữ, trẻ em” và Dự án “Bảo vệ trẻ em” triển khai tại các huyện Mường Khương, Sa Pa do tổ chức Samaritan’s Purse International Relief tài trợ. Trong ngày hội, các tình nguyện viên của tổ chức Samaritan’s Purse International đã xây dựng vở kịch “Chuyện của Mẩy”, trong đó cảnh báo những cái bẫy của bọn buôn người giăng ra đối với học sinh Mẩy khi bỏ nhà đi vì giận dỗi bố mẹ. Thông qua vở kịch, các em nhỏ biết được các kỹ năng tự bảo vệ bản thân như không đồng ý đi theo người lạ, không nhận quà từ người lạ hoặc biết kháng cự, bỏ chạy khi bị xâm hại, tấn công… Bên cạnh đó, những hoạt động vui chơi cũng được tổ chức trong ngày hội như giải câu đố, vượt chướng ngại vật, tham gia nhóm, qua đó giúp các em bổ sung, thực hành kiến thức tự bảo vệ mình.

Tại nhiều gia đình trên địa bàn huyện vùng cao Mường Khương, bố mẹ đi làm xa phải để con ở nhà với ông bà nên trẻ thiếu sự chăm sóc, giáo dục từ cha mẹ. Vì thế, ngày hội truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức tại các trường học là hoạt động rất thiết thực đối với học sinh vùng cao. Chị Nùng Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mường Khương cho biết: Chúng tôi thường xuyên nắm tình hình các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em để có hướng giải quyết. Các cấp hội phụ nữ tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa cách thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của hội nhằm đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho trẻ. Bên cạnh đó là tổ chức nhiều buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề; duy trì, nhân rộng các mô hình về trẻ em, an toàn cho trẻ; tăng cường tuyên truyền các hoạt động thực hiện chủ đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em” trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em tại địa phương.

Đối với vấn đề an toàn cho phụ nữ, Hội Phụ nữ tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc triển khai các hoạt động an toàn trong phát triển kinh tế. Các cấp hội đã phối hợp tổ chức 46 lớp tập huấn cho hơn 2.500 phụ nữ về khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực quản lý các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, mở 34 lớp đào tạo nghề cho 744 lao động nữ và tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, các hội thi phụ nữ sản xuất giỏi. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; 28 tổ liên kết, nhóm sở thích nhận ủy thác, với 25 nghìn hộ vay vốn phát triển kinh tế.

Hội Phụ nữ tạo điều kiện an toàn để hội viên tham gia phát triển kinh tế bền vững.

Hội Phụ nữ tạo điều kiện an toàn để hội viên tham gia phát triển kinh tế bền vững.

Hội Phụ nữ huyện Bảo Thắng là một điển hình trong thực hiện khâu đột phá “Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, mạnh dạn khởi nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả”. Trong năm 2019, Hội Phụ nữ huyện Bảo Thắng đã thành lập 3 mô hình tổ phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức 3 lớp khởi sự kinh doanh; hỗ trợ 156 phụ nữ học nghề và giúp các tổ liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, nhiều phụ nữ trên địa bàn đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và giúp nhau vươn lên. Có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu như hội viên Phạm Thị Tuyết với mô hình nuôi gà; hội viên Tạ Thị Hợi phát triển mô hình sơ chế vỏ quế; hội viên Đặng Thị Phúc giúp hàng chục hộ ở xã Trì Quang thoát nghèo và tạo việc làm cho gần 50 lao động với mức thu nhập ổn định…

Bên cạnh đó, các chương trình kết nối mạng lưới phụ nữ làm kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và đối thoại giữa các bên liên quan cũng đã khơi dậy tinh thần và khả năng khởi nghiệp sáng tạo, phát huy vai trò kinh tế của phụ nữ. Đây là những tiền đề quan trọng nhằm hỗ trợ, kết nối, tạo môi trường, điều kiện an toàn để phụ nữ tham gia phát triển kinh tế bền vững.

Bà Hà Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung về an toàn cho phụ nữ và trẻ em với mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề này. Khi bạo lực gia đình được đẩy lùi, cha mẹ chăm sóc tốt con cái, có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục, hướng dẫn con trẻ kỹ năng phòng, chống các hành vi xâm hại và khi phụ nữ thể hiện được vai trò trong phát triển kinh tế gia đình thì mới có thể đảm bảo sự an toàn bền vững cho phụ nữ và trẻ em.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/vi-moi-truong-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-z5n20200308083653916.htm