Vì môi trường an toàn cho trẻ em
Quỹ Save the Children (Cứu trẻ em) đưa ra số liệu thống kê cho thấy, đại dịch đã khiến trẻ em trên khắp thế giới mất trung bình hơn một phần ba trong tổng số 190 ngày đi học tiêu chuẩn của năm học 2020. Nhiều tổ chức quốc tế cũng kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn hậu quả không thể đảo ngược đối với hàng triệu trẻ em trước nguy cơ thất học vĩnh viễn, cũng như những rủi ro tiềm ẩn của việc trẻ em không được đến trường.
Quỹ Save the Children (Cứu trẻ em) đưa ra số liệu thống kê cho thấy, đại dịch đã khiến trẻ em trên khắp thế giới mất trung bình hơn một phần ba trong tổng số 190 ngày đi học tiêu chuẩn của năm học 2020. Nhiều tổ chức quốc tế cũng kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn hậu quả không thể đảo ngược đối với hàng triệu trẻ em trước nguy cơ thất học vĩnh viễn, cũng như những rủi ro tiềm ẩn của việc trẻ em không được đến trường.
Báo cáo mới của Save the Children nhấn mạnh, trẻ em trên thế giới đã mất tổng cộng 112 tỷ ngày đi học, trong đó những trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất ở các khu vực Mỹ la-tinh, Ca-ri-bê và Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số buổi học bị mất gấp ba lần trẻ em ở Tây Âu. Ước tính, mỗi trẻ em đã bỏ lỡ trung bình 74 ngày đi học do các trường đóng cửa và không thể học từ xa do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Trong đỉnh dịch Covid-19 hồi năm ngoái, có 91% số học sinh, sinh viên trên thế giới không được đến trường. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, số học sinh bị ảnh hưởng do đóng cửa trường học đã tăng 38% trong tháng 11-2020. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thống kê cho thấy, gần 20% số học sinh trên thế giới, tương đương 320 triệu em, đã không được đến trường kể từ ngày 1-12 năm ngoái.
Thế giới đang đứng trước thực trạng các lệnh phong tỏa làm rộng khoảng cách về kinh tế và cơ hội học tập trong một nước cũng như giữa các nước với nhau. Khoảng cách giàu-nghèo, giữa vùng đô thị với nông thôn, giữa trẻ em tị nạn hoặc bị bỏ mặc với trẻ em sở tại, giữa trẻ em bị thương tật với trẻ em bình thường ngày càng gia tăng. Có sự khác biệt lớn trong việc tiếp cận phương pháp học từ xa ở các nước giàu và nghèo, khi tại các nước nghèo, học sinh không được trang bị đầy đủ để có thể kết nối in-tơ-nét. Việc học tập từ xa cũng tồn tại nhiều bất cập khi cùng với thời gian lên mạng để tiếp thu bài giảng và kết nối với xã hội bên ngoài, trẻ em đối mặt những rủi ro khôn lường. Theo giới chuyên gia, việc bị rò rỉ thông tin cá nhân dẫn tới nguy cơ trẻ em bị lừa hoặc bị lợi dụng, quấy rối tình dục, bắt nạt, khủng bố hay bị ảnh hưởng bởi các nội dung bạo lực, độc hại, tin giả. Phần lớn trẻ em đã sử dụng công cụ trực tuyến để học từ xa như Zoom, Microsoft Teams, Skype. Tuy nhiên, những nền tảng này, vốn được thiết kế để doanh nghiệp làm việc từ xa, lại chưa thật sự được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập an toàn. Hậu quả là nhiều lớp học trực tuyến bị tin tặc đột nhập và gây rối, hình ảnh các lớp học và thông tin nhạy cảm của học sinh bị rò rỉ trên mạng.
Trước những vấn đề nảy sinh từ nguy cơ không được học tập hoặc học từ xa tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tổ chức quốc tế kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên mở lại các trường học, thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giữ an toàn cho các lớp học và tránh đóng cửa trường học trên phạm vi toàn quốc. Các kế hoạch mở lại trường học phải bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, bao gồm cả việc học từ xa, nhất là cho các nhóm yếu thế. Hệ thống giáo dục cũng phải được điều chỉnh và xây dựng để có khả năng đối phó các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Nghiên cứu về 59 quốc gia nghèo nhất thế giới cho thấy, chi phí trung bình của việc mở lại trường học trong môi trường an toàn phòng dịch cũng như dạy bù kiến thức cho học sinh ước tính là 50 tỷ USD cho 136 triệu trẻ em bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số tiền này dự kiến được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con em đi học, các lớp học bù, bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh trường lớp, đào tạo giáo viên cũng như các chiến dịch quốc gia nhằm khuyến khích trẻ em đi học trở lại.
Với những đòi hỏi cấp thiết để trẻ em không phải chịu thiệt thòi quá nhiều do dịch Covid-19, việc bảo đảm trẻ em được đến trường trong điều kiện an toàn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nước trong nỗ lực chống những tác động của đại dịch.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/vi-moi-truong-an-toan-cho-tre-em-637521/