Vì một đất nước giàu mạnh và thịnh vượng

Ngày 22-4-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.

Theo đó, quyết định đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống lãng phí và xây dựng chiến lược thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, quyết tâm đến năm 2035, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí. Đồng thời xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khối ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số… Đặc biệt, xử lý triệt để những vấn đề, vụ việc gây lãng phí lớn, bức xúc trong dư luận, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Trong những năm qua, mặc dù công tác phòng, chống lãng phí đã được triển khai quyết liệt nhưng tình trạng lãng phí hiện nay vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Có thể kể một vài hình thức gây lãng phí đang diễn ra phổ biến, đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới, dẫn đến gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt gây lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân. Vẫn còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị đình trệ, gây thất thoát ngân sách nhà nước… Cũng do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc triển khai nhiều công trình, dự án gặp khó khăn, nhất là các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; hầu hết các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội không được triển khai kịp thời do vướng thủ tục nên các chương trình, mục tiêu quốc gia bị đình trệ, không đáp ứng theo yêu cầu đề ra...

Tại buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp 3) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chiều 31-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó có chống lãng phí.

Tổng Bí thư nêu rõ, thực tế cho thấy, “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”, song lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển (gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước).

Để phòng, chống lãng phí, Tổng Bí thư chỉ đạo, giải pháp chiến lược những năm tới, đó là: Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ ban hành quy định của Đảng để nhận diện, chiến lược quốc gia, quy định của pháp luật và thực thi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.

Trước đó, trong bài viết “Chống lãng phí” đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 13-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “… Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân…”.

Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư cùng tinh thần vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cấp, ngành theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 806 của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ ngăn chặn, đẩy lùi đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí. Và, chỉ có như vậy mới góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171930/vi-mot-dat-nuoc-giau-manh-va-thinh-vuong