Vì một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc
Chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra. Đây là kỳ thi có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông mà còn là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng làm căn cứ tuyển sinh.
Tính tới thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.
Kiểm tra kỹ lưỡng từng đề thi, không để xảy ra sự cố mờ đề, mất nét
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục là một trong những địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước với 102.095 thí sinh, chiếm 1/10 học sinh của cả nước. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: Thời điểm này, Sở đang rốt ráo chuẩn bị tất cả các điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất, nhân lực, phương án về điện, an toàn giao thông… để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi. Dự kiến, toàn thành phố sẽ có 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi bố trí ở tất cả các quận, huyện, thị xã. Do số lượng thí sinh dự thi đông, địa phương điều động khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức kỳ thi với quy mô lớn, quan trọng nên gây áp lực không nhỏ đối với cán bộ làm công tác thi, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng từng tình huống cụ thể để dự phòng. Với việc in sao đề thi - khâu quan trọng trong việc tổ chức thi, ông Trần Thế Cương cho rằng, địa phương sẽ rút kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 gặp sự cố đề thi in mờ nên đã rà soát lại tất cả các công đoạn lẫn hệ thống máy móc. Công tác in sao đề thi đang được thực hiện theo kế hoạch. Hội đồng in sao đề Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được quán triệt phải tiến hành cẩn trọng nhất, kiểm tra kỹ càng từng đề thi, không để xảy ra sự cố đề mờ, mất nét.
Với đặc thù là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình vùng núi khó khăn, 80% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Sơn La đã triển khai các công tác chuyên môn để tập trung ôn tập cho các em học sinh khối lớp 12. Tính tới thời điểm hiện tại, các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản đã đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh; có chính sách hỗ trợ thí sinh ở vùng núi khó khăn về chỗ ở, đi lại. Còn tại tỉnh Hòa Bình, xác định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, do đó các công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng đã được triển khai từ rất sớm. Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đã thực hiện 2 đợt thi thử nhằm đánh giá sơ bộ chất lượng các thí sinh tham dự kỳ thi năm nay.
Không lơ là, chủ quan trong tất cả các khâu của kỳ thi
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2023, cả nước có hơn 1 triệu thi sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thi sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh chiếm 4,55% tổng số thí sinh. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, hiện nay Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; tiếp tục thực hiện rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho Hội đồng ra đề thi.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cũng cho rằng, với tinh thần chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa và yếu tố con người là khâu quan trọng nhất, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, thành lập 63 đoàn kiểm tra, thanh tra công tác tổ chức thi tại các địa phương. Hiện nay, 53/63 tỉnh đã có đường dây nóng để phản ánh thông tin kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện hết sức nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.
Mặc dù vậy, do kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250 nghìn người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Cùng với đó, kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người, do đó Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương cần lường trước để có phương án rà soát tối đa.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý, trong quá trình chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi, các địa phương cần lường trước các tình huống cực đoan về thời tiết để chủ động có phương án xử lý. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ thí sinh, để không thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay giao thông cách trở mà không đến dự thi được. Đối với cán bộ làm công tác coi thi, cần lưu ý “4 đúng”, “3 không”. Trong đó, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. Còn “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/vi-mot-ky-thi-tot-nghiep-thpt-an-toan-nghiem-tuc-i697397/