Vì một Sa Pa phát triển hài hòa
Thành lập thị xã Sa Pa là bước ngoặt mang tính lịch sử tác động rất lớn đến sự phát triển của Sa Pa trong thời gian tới. Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Có quan điểm cho rằng thành lập thị xã Sa Pa là tất yếu, nhưng phải cần yếu tố đặc thù, xin ông nói rõ hơn nội dung này?
Ông Lê Tân Phong: Thực ra, trong sự tất yếu đã có đặc thù và trong đặc thù luôn mang vấn đề tất yếu. Trong Đề án thành lập thị xã Sa Pa của UBND tỉnh gửi các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ vấn đề này. Từ khi Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Du lịch quốc gia, lượng khách du lịch đến đây tăng mạnh (trung bình hơn 20%/năm), kéo theo có từ 5 đến 8 nghìn phương tiện giao thông lớn nhỏ lên Sa Pa hằng ngày khiến khu du lịch bị quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú, dịch vụ và tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là giao thông.
Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực khác, mô hình chính quyền huyện nông thôn của Sa Pa không còn phù hợp trong quản lý địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, kinh tế phát triển nhanh, thu hút lượng khách du lịch lớn. Bộ máy chính quyền của thị trấn huyện Sa Pa hiện chỉ có 26 người nhưng đang quản lý một đô thị lớn với số dân gần 10 nghìn người và khoảng 15 - 20 nghìn du khách lưu trú thường xuyên là sự quá tải.
Về vị trí chiến lược, với các điều kiện tự nhiên, thành lập thị xã Sa Pa góp phần quan trọng trong đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia liên quan đến các yếu tố tác chiến, xây dựng khu vực phòng thủ.
Thành lập thị xã Sa Pa là trường hợp đặc biệt bởi địa phương còn thiếu số ít tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng trong Đề án thành lập thị xã, UBND tỉnh đã đề cập phương án khắc phục cụ thể trong thời gian tới.
Phóng viên: Trước đây, tỉnh đã từng đề cập phương án tách phần đô thị của huyện Sa Pa để thành lập thị xã mới nhưng không được lựa chọn, theo ông, ưu điểm của việc nâng cấp huyện lên thị xã là gì?
Ông Lê Tân Phong: Phương án này sẽ giảm đơn vị hành chính cấp huyện, nếu thành lập một huyện mới sẽ tốn hàng nghìn tỷ đồng và kéo theo nhiều việc phải làm. Việc nâng cấp huyện thành thị xã Sa Pa sẽ giúp địa phương tạo thế cân bằng, hài hòa, cộng hưởng sự phát triển giữa khu vực đô thị và nông thôn, hỗ trợ lẫn nhau giữa các phường với các xã, tạo cơ hội thay đổi cho các vùng vệ tinh, rút ngắn tối thiểu khoảng cách giàu nghèo và đẩy mạnh an sinh xã hội.
Trên thực tế, thế mạnh của Sa Pa là du lịch, ngành kinh tế này hiện không chỉ “tỏa sáng” ở khu vực thị trấn mà nhiều xã trong huyện cũng đang phát triển các loại hình như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch khám phá với các tua, tuyến ngày càng được mở rộng. Cơ hội tìm việc làm và làm giàu từ du lịch đang được phân bố ngày càng rộng hơn trên địa bàn.
Phóng viên: Tương lai nào đang chờ đón đô thị Sa Pa, thưa ông?
Ông Lê Tân Phong: Tất cả người dân Sa Pa đều ý thức được rằng việc thành lập thị xã không phải để “cho oai”, chỉ là thay tên gọi mà đó là yêu cầu, là cơ hội để địa phương phát triển mạnh và đồng đều hơn.
Về kinh tế, Sa Pa cũng đã chủ động hoạch định hướng phát triển riêng, trong đó lấy kinh tế du lịch làm trung tâm, tạo điều kiện cho ngành kinh tế khác đồng hành. Ví dụ về sản xuất nông nghiệp là việc hạn chế quảng canh để tập trung đầu tư thâm canh bám sát thị trường và nhu cầu của đô thị du lịch, liên kết sản xuất và tiêu thụ, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Nội dung này Sa Pa có nhiều kinh nghiệm, thực hiện tốt trong thời gian qua như sản xuất cá nước lạnh, chăn nuôi, trồng các loại rau và chế biến dược liệu có sự liên kết, gắn với nhu cầu có liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, Sa Pa cũng sẽ coi trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ mở rộng nghề truyền thống như dệt, rèn, đúc, chạm bạc, mộc, điêu khắc...
Về tổng quan kinh tế du lịch, Sa Pa không còn khuyến khích phát triển theo chiều rộng mà tập trung vào chiều sâu, coi trọng chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh thu hút du khách thì địa phương sẽ tập trung thực hiện giải pháp tăng số ngày khách lưu trú, số tiền du khách chi tiêu tại Sa Pa. Muốn vậy, địa phương cần phải phát triển, mở rộng dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao mang tầm quốc tế; xây dựng hạ tầng, thu hút nguồn lực đầu tư để khai thác các “địa hạt” còn ở dạng tiềm năng. Ví dụ như du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe, du lịch hiện đại như nhảy dù, leo núi, tua du lịch bằng xe địa hình...
Lĩnh vực thủy điện tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của địa phương nhưng phải đảm bảo thực hiện tốt báo cáo đánh giá tác động môi trường để không tác động xấu đến ngành kinh tế du lịch. Xây dựng công trình thủy điện được kiểm soát chặt để không phá vỡ cảnh quan, gây ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái thông qua việc ngầm hóa các đường ống dẫn nước, mật độ xây dựng thấp.
Để phát triển cân đối, Sa Pa sẽ đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho lao động địa phương thông qua liên kết với doanh nghiệp, ràng buộc bằng chính sách ưu tiên, các nguồn tài trợ, hỗ trợ. Địa phương cũng sẽ tăng cường đầu tư cho khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án, dành phần lợi ích đáng kể từ phát triển kinh tế du lịch và các ngành kinh tế khác cho việc đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, vùng nghèo. Tất cả vì một đô thị Sa Pa phát triển hài hòa, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Phóng viên: Thưa ông, Sa Pa cần làm gì trước tiên sau khi lên thị xã?
Ông Lê Tân Phong: Trước mắt, Sa Pa sẽ tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các xã, phường mới điều chỉnh, bộ máy của thị xã Sa Pa để đáp ứng yêu cầu vận hành, hoạt động của chính quyền đô thị thay vì chính quyền nông thôn như trước đây. Do chuẩn bị tốt và thực hiện trong thời gian khá dài nên đến nay, Sa Pa đã có tư thế vững, sẵn sàng đón nhận và thực hiện sự kiện này.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!