Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân

Cụ Hiromu Morishita, 93 tuổi, người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử xuống TP Hiroshima, Nhật Bản, đã đi đến 15 quốc gia để kể về những trải nghiệm của một người sống sót sau một trong những thảm họa chết chóc đáng sợ nhất của nhân loại.

79 năm về trước, ngày 6-8-1945, cậu bé 14 tuổi Morishita đang xếp hàng gần một cây cầu, đột nhiên trời sáng lóe lên và sau đó là một tiếng nổ lớn. Khi tỉnh lại, Morishita nhận thấy da mặt, cổ và tay bong tróc, người đẫm máu. Gần đó là một thi thể trẻ em cháy xém...

 Cụ Morishita bên cạnh những tài liệu về bom hạt nhân. Ảnh: YOMIURI SHIMBUN

Cụ Morishita bên cạnh những tài liệu về bom hạt nhân. Ảnh: YOMIURI SHIMBUN

Sau khi tốt nghiệp đại học, Morishita trở thành giáo viên dạy thư pháp Nhật Bản ở trường trung học. Chàng trai trẻ Morishita luôn cảm thấy mặc cảm khi nhiều người để ý đến các vết sẹo lồi trên mặt và cổ mình, nhiều lúc chỉ muốn nghỉ việc.

Năm 1954, sự cố Fukuryu Maru No.5 xảy ra khi thủy thủ một tàu đánh cá của Nhật Bản nhiễm phóng xạ từ vụ thử bom hydro của Mỹ. Sự kiện này đã tạo động lực cho phong trào hòa bình hibakusha (cụm từ được Nhật Bản dùng để chỉ những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki). Morishita nhiều lần được đề nghị lãnh đạo phong trào này nhưng ông đã từ chối và không nhắc tới những trải nghiệm đau thương với học sinh của mình.

Năm 1963, Morishita đón con gái đầu lòng. Hình ảnh con gái yên bình khi bú mẹ làm ông nhớ lại em bé cháy đen vì bom nguyên tử năm xưa. Và Morishita quyết định phải chia sẻ những trải nghiệm của mình để thảm kịch đó sẽ không bao giờ lặp lại. Tháng 4-1964, Morishita tham gia cuộc hành hương vì hòa bình thế giới, những hibakusha đã đến 150 thành phố ở 8 quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Liên Xô. Trong chuyến hành hương này, họ gặp cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman, người đã ra lệnh cho quân đội Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản. Ông Truman khi đó đã tái khẳng định bom nguyên tử là cần thiết để kết thúc chiến tranh và không xin lỗi.

Cụ Morishita cho biết, sự tức giận, thất vọng đã trở thành động lực để cụ tiếp tục các hoạt động vì hòa bình. Trở về Nhật Bản, cụ Morishita đã nỗ lực truyền tải một cách chân thực nhất về vụ ném bom nguyên tử của Mỹ thông qua các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm ở trong và ngoài Nhật Bản. Cụ cũng từng làm hướng dẫn viên tại công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima.

Tháng 8-2012, cụ Morishita gặp Clifton Truman Daniel, cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ Truman. Cụ Morishita nói: “Tôi muốn ông của cậu xin lỗi”. Daniel chỉ cúi đầu và im lặng. Vài năm sau đó, cụ Morishita gặp lại Daniel và được biết, cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ đang tham gia vào các hoạt động hòa bình để lan tỏa những câu chuyện của các hibakusha tại Mỹ.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-mot-the-gioi-khong-vu-khi-hat-nhan-post752897.html