Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế chống thử hạt nhân 29/8 hằng năm, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới cấm vĩnh viễn hoạt động thử hạt nhân. Lời kêu gọi của ông khi nào sẽ thành hiện thực?

Tổng thống Mỹ John F Kennedy ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân cùng với Liên Xô, ngày 5/8/1963. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ John F Kennedy ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân cùng với Liên Xô, ngày 5/8/1963. (Nguồn: AFP)

Loài người từng hứng chịu những thảm họa khủng khiếp bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân vô trách nhiệm. Lịch sử đau thương này không được phép lặp lại. Cùng điểm qua những nỗ lực không ngừng của thế giới nhằm chấm dứt nguy cơ vũ khí hạt nhân.

Ngày thế giới phòng chống vũ khí hạt nhân

Ngày thế giới phòng chống vũ khí hạt nhân hay còn gọi là ngày quốc tế chống vũ khí nguyên tử (hoặc Ngày Hiroshima) diễn ra vào 6/8 hằng năm. Vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng vào giai đoạn cuối Thế chiến II khi Mỹ thả quả bom nguyên tử có biệt danh là “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945. Ba ngày sau, Không quân Mỹ tiếp tục thả quả bom nguyên tử “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản.

Hai thảm họa này khiến hơn 200.000 người thiệt mạng ngay thời điểm đó, từng ấy người nhiễm phóng xạ và còn rất nhiều người chịu hậu quả bệnh tật sau này. Mười năm sau khi Thế chiến II kết thúc và để ghi nhớ thảm kịch ở Hiroshima, ngày 6/8/1955, thành phố đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế đầu tiên về cấm vũ khí nguyên tử. Ngày thế giới phòng chống vũ khí hạt nhân được thực hiện như ngày kỷ niệm về sự tàn khốc mà vũ khí hạt nhân gây ra cho con người cũng như hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngày quốc tế chống thử hạt nhân

Ngày 2/12/2009, tại kỳ họp 64, với việc thông qua Nghị quyết 64/35, Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ đã công bố lấy ngày 29/8 hằng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân. Nghị quyết kêu gọi giáo dục và nâng cao nhận thức về “tác động của các vụ nổ thử vũ khí hạt nhân và các vụ nổ hạt nhân khác, cũng như sự cần thiết phải chấm dứt những hành động như vậy để đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Quyết định trên theo sáng kiến của chính phủ Kazakhstan lấy ngày nước này đóng cửa khu thử hạt nhân Semipalatinsk của Liên Xô (cũ) trên lãnh thổ nước mình, nơi từng diễn ra 456 vụ thử hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, làm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân.

Năm 2010 đánh dấu lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân với nhiều sự kiện mang tính giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ hạt nhân tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Vienna (Áo), Astana (Kazakhstan), các viện nghiên cứu, các tổ chức thanh niên và nhiều nước trên khắp thế giới.

Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân

Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân được tổ chức hằng năm trên toàn thế giới vào 26/9, được ĐHĐ LHQ thông qua vào ngày 5/12/2013. Với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra cho nhân loại, ngày này cũng nhằm cho thấy sự cần thiết phải loại bỏ chúng hoàn toàn.

Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu lâu đời nhất của LHQ. Đó là chủ đề của nghị quyết đầu tiên của ĐHĐ vào năm 1946. Hoạt động này luôn được sự ủng hộ của các đời Tổng thư ký LHQ. Theo dữ liệu của LHQ, hiện có khoảng 12.705 vũ khí hạt nhân trong kho của các nước trên thế giới. Hơn một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc là thành viên của các liên minh hạt nhân. Bởi vậy, họ chính là những người phải gánh chịu nguy cơ về an toàn vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện

Hiệp ước đầu tiên được gọi là “Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, trong vũ trụ và dưới nước”, hay Hiệp ước cấm thử hạt nhân một phần (FTBT), hoặc còn được gọi là “Hiệp ước Moscow” bởi văn bản này được ký tại Moscow ngày 5/8/1963. Các bên tham gia thỏa thuận và cũng là những nước khởi xướng bao gồm Liên Xô, Mỹ và Anh. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 10/10/1963.

Sau đó, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) ra đời - một hiệp ước quốc tế đa phương nhằm cấm các vụ nổ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào khác vì mục đích dân sự hoặc quân sự ở bất cứ đâu. Hiệp ước này được thông qua tại khóa họp thứ 50 của ĐHĐ LHQ vào ngày 10/9/1996 và ký kết vào ngày 24/9/1996.

Cho đến năm 2023, Hiệp ước này được 187 quốc gia ký kết và 178 quốc gia trong số đó phê chuẩn. Tuy nhiên, trong số 44 quốc gia có năng lượng hạt nhân vào thời điểm Hiệp ước được hình thành, có 3 quốc gia không ký: Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên và 5 nước không phê chuẩn gồm Mỹ, Trung Quốc, Israel, Iran và Ai Cập khiến Hiệp ước không thể có hiệu lực. Ngày 25/10/2023, Nga đã thông qua dự luật hủy việc phê chuẩn Hiệp ước này.

Như vậy, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện không có hiệu lực, cho thấy trên thực tế đây vẫn chỉ là mong muốn. Tuy vậy, nhiều nước vẫn tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước và không tiến hành thử nghiệm. Không có vụ thử nào do Mỹ thực hiện kể từ năm 1992. Nga cũng làm điều tương tự.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là hiệp ước quốc tế có mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí, thúc đẩy hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn.

NPT là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, được ĐHĐ LHQ thông qua ngày 12/6/1968, mở đường cho ba nước là Liên Xô, Mỹ và Anh cùng ký kết Hiệp ước vào ngày 1/7/1968 tại các thành phố Moscow, Washington, London. NPT chính thức có hiệu lực từ ngày 5/3/1970. Theo đó, các nước Liên Xô, Mỹ và Anh được giao theo dõi thực thi Hiệp ước.

Hội nghị tổng kết thường kỳ công tác thực thi Hiệp ước từ ngày 17/4-12/5/1995 tại trụ sở của LHQ ở New York đã thông qua quyết định mở rộng Hiệp ước không giới hạn và không điều kiện. Căn cứ theo đó, các cường quốc hạt nhân được chính thức công nhận là các quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước ngày 1/1/1967 gồm: Liên Xô (Nga), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Đến nay đã có 191 quốc gia ký tham gia NPT. Có hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không được thừa nhận là cường quốc hạt nhân (vì tiến hành thử nghiệm vũ khí sau ngày 1/1/1967 là Ấn Độ và Pakistan) không tham gia Hiệp ước. Bên cạnh đó là Israel không thừa nhận cũng như không phản đối thông tin mình sở hữu vũ khí hạt nhân. Israel phản đối việc xây dựng tại khu vực Trung Đông một vùng lãnh thổ không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Liên quan đến CHDCND Triều Tiên, vào năm 2003, nước này tuyên bố rời khỏi Hiệp ước và trong các năm sau đó 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017 đã tiến hành hàng loạt các vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không thực hiện các thủ tục pháp lý để rời Hiệp ước.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) là hiệp ước về giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên có hiệu lực kể từ thập niên 1990 cho đến nay. Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử đặt ra nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý toàn diện đối với các quốc gia thành viên về việc cấm hoàn toàn sở hữu, phát triển, tàng trữ, sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vào tháng 12/2016, ĐHĐ LHQ đã quyết định chuẩn bị một công ước về cấm và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Nghị quyết tương ứng được 123 quốc gia ủng hộ, trong khi các cường quốc hạt nhân, trong đó có Nga, và khoảng 30 quốc gia khác bỏ phiếu “chống”. Nghị quyết quyết định tổ chức một hội nghị với mục đích phát triển “công cụ ràng buộc về mặt pháp lý để cấm vũ khí hạt nhân, dẫn đến việc loại bỏ chúng hoàn toàn”.

Vào ngày 27/3/2017, các cuộc đàm phán liên chính phủ đã bắt đầu tại ĐHĐ LHQ nhằm xây dựng nội dung một công ước về cấm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, gần 40 quốc gia không tham gia hội nghị, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Vào ngày 7/7/2017, TPNW được thông qua với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên LHQ.

Ngày 20/9/2017, văn bản được mở để ký. Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, năm nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ là Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp cùng tuyên bố phản đối và không ký Hiệp ước này.

Hiện nay, theo trang disarmament.unoda.org, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã được 93 quốc gia ký kết và 70 quốc gia phê chuẩn/gia nhập.

Nhận thức và tuyên truyền về nguy cơ vũ khí hạt nhân là không đủ. Luật pháp quốc tế ràng buộc các nước tuân thủ những hiệp ước cấm thử, không phổ biến và xóa bỏ vũ khí hạt nhân không có hiệu lực pháp lý với những quốc gia hạt nhân không tham gia phê chuẩn. Hành tinh của chúng ta trông chờ vào những hành động có trách nhiệm, có lương tâm của những bên đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tùng Lâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-mot-the-gioi-khong-vu-khi-hat-nhan-283609.html