Vì một TP.HCM an toàn, bình yên - Bài 2: Chuyện công nhân vệ sinh môi trường làm việc trượng nghĩa

Niềm vui của những công nhân vệ sinh môi trường được nhân lên nhiều lần khi góp phần ngăn chặn tội phạm đường phố, giúp đỡ người bị nạn.

21 giờ, anh Nguyễn Hữu Khương (34 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh) có mặt tại 173 Xô Viết Nghệ Tĩnh để bắt đầu công việc. 17 năm công tác, anh Khương không chỉ hoàn thành tốt vai trò góp phần làm sạch bộ mặt đô thị của TP.HCM mà còn tích cực tham gia mô hình “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm” và làm nhiều việc nghĩa.

Đây là mô hình do Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh phối hợp với công an thành lập nhằm sử dụng lực lượng công nhân trong quá trình làm việc trên các tuyến đường, các thành viên trong tổ truy bắt kẻ phạm pháp, giữ hiện trường các vụ tai nạn giao thông để thông báo cho công an đến xử lý…

 Anh công nhân vệ sinh môi trường Nguyễn Hữu Khương đã có 17 năm công tác tại Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh. Ảnh: THUẬN VĂN

Anh công nhân vệ sinh môi trường Nguyễn Hữu Khương đã có 17 năm công tác tại Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh. Ảnh: THUẬN VĂN

Anh công nhân vệ sinh môi trường hai lần bắt cướp

Mở đầu câu chuyện, anh Khương kể năm 2018, trong một lần anh đang gom rác trên đường Nguyễn Hữu Cảnh thì nghe tiếng la “cướp, cướp”. Thấy tụi cướp chuẩn bị chạy xe ngang qua nên anh canh đạp vào xe làm những kẻ này bị ngã. “Đó gần như đã là phản xạ tự nhiên của tôi” - anh Khương nhớ lại.

Đến năm 2019, khi đang đi làm ngang qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh), anh Khương lại nghe tri hô “cướp” từ người dân nên lập tức đuổi theo. “Lúc đó tụi cướp chống cự quyết liệt lắm, may mà tôi có tí “ngón nghề” phòng thân. Bắt xong thì tôi giao lại cho Công an phường 25 xử lý” - anh Khương cười xòa.

Một lần khác khi đang trong ca trực, anh phát hiện một xe máy bỏ trên vỉa hè trước 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21) không có người trông coi nên anh dắt xe về công an phường tiếp nhận xử lý…

 Anh Nguyễn Hữu Khương đã có 17 năm công tác tại Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh, được Công an quận Bình Thạnh tuyên dương vì hai lần bắt cướp cùng những lần làm việc nghĩa khác. Ảnh: THUẬN VĂN

Anh Nguyễn Hữu Khương đã có 17 năm công tác tại Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh, được Công an quận Bình Thạnh tuyên dương vì hai lần bắt cướp cùng những lần làm việc nghĩa khác. Ảnh: THUẬN VĂN

Đến nay chẳng thể đếm nổi số lần làm việc nghĩa của anh công nhân vệ sinh môi trường Nguyễn Hữu Khương. Anh cũng bảo mình không sợ khổ hay nguy hiểm, anh làm vì thấy đó là một phần trách nhiệm của bản thân, góp phần cho cuộc sống của nhiều người được bình yên, tươi đẹp hơn.

“Mình chủ yếu giúp cho xã hội chứ không nghĩ là cần hồi đáp gì hết. Vậy mà lâu lâu giúp xong nghe người dân cảm ơn thì thấy vui lắm, có động lực để tiếp tục công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”” - anh Khương bộc bạch.

Sau 10 năm tham gia mô hình “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm”, niềm vui của anh Khương lại càng nhân lên nhiều lần khi số việc nghĩa anh làm ngày càng ít đi. Đó cũng là niềm vui khi chứng kiến diện mạo của TP.HCM đang đổi thay, người dân không còn nơm nớp lo sợ bị cướp giật khi ra đường vào ban đêm.

“Mình chủ yếu giúp cho xã hội chứ không nghĩ cần phải có hồi đáp. Vậy nhưng lâu lâu giúp xong nghe người dân cảm ơn thì thấy vui lắm, có động lực để tiếp tục công việc.”

Anh Nguyễn Hữu Khương

Làm việc nghĩa vì đó là trách nhiệm

Câu nói “Tôi làm vì thấy nó như trách nhiệm của mình” một lần nữa được bà Lê Thị Thu Thủy (52 tuổi, tổ trưởng thu gom rác) nhắc lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Anh Nguyễn Hữu Khương là một trong những thành viên thuộc tổ do bà Thủy quản lý.

“Tổ của tôi có 40 thành viên mà ai cũng như Khương vậy, toàn “dân liều” thôi. Có người đang đi làm nhặt được 10 triệu đồng thì trả lại cho người mất, một người khác khi nghe tri hô “cướp” thì quăng ghế ra để chặn đường kẻ cướp” - bà Thủy kể.

 Tổ công nhân vệ sinh môi trường của bà Lê Thị Thu Thủy có khoảng 40 thành viên và đều là những người thích làm việc nghĩa. Ảnh: THUẬN VĂN

Tổ công nhân vệ sinh môi trường của bà Lê Thị Thu Thủy có khoảng 40 thành viên và đều là những người thích làm việc nghĩa. Ảnh: THUẬN VĂN

Giống như các thành viên khác ở tổ thích làm việc nghĩa, trong 29 năm công tác tại Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh, bà Thủy cũng nhiều lần giúp giữ hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện nhiều trường hợp người chạy xe máy bị té bất tỉnh; giúp những người say xỉn nằm bên đường về nhà hay báo cho công an phường khi thấy có kẻ khả nghi lảng vảng gần nhà người dân lúc đêm khuya…

“Mấy tháng trước tôi gặp một người nước ngoài say rượu và ngủ ngoài đường, bên cạnh là xe máy đắt tiền, điện thoại với ví tiền. Sợ người này bị cướp nên tôi ngồi từ 20 giờ đến 23 giờ nhưng không thấy người này dậy, tôi phải gọi điện thoại cho công an phường hỗ trợ” - bà Thủy kể lại.

Có vô số lần bà Thủy gặp những trường hợp hết sức oái oăm. Lần đó bà gặp một người đàn ông say rượu nằm ngủ ngay đầu hẻm nhà mình, được người dân xung quanh chỉ nhà, bà Thủy dìu người này về tới nhà nhưng bấm chuông mãi mà gia đình không ai ra mở cửa. Sau đó, bà Thủy phải nhờ Công an phường 14 xuống gọi cửa thì vợ ông này mới “ra nhận chồng”.

Một lần khác, bà Thủy đang làm việc bên đường Nguyễn Hữu Cảnh thì chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, nạn nhân bị xe tông nằm bất tỉnh, còn người gây ra tai nạn thì nhanh chóng tháo chạy.

“Tôi lao ra không cho họ đi, kêu họ để xe ở đó và gọi công an phường, nhờ bảo vệ khu phố hỗ trợ giữ hiện trường giúp cho đến khi công an tới” - bà Thủy nhớ lại.

 Công việc thường ngày của bà Lê Thị Thu Thủy, tổ trưởng quét thu gom rác, là đôn đốc, kiểm tra tiến độ làm việc của các thành viên trong tổ. Ảnh: THUẬN VĂN

Công việc thường ngày của bà Lê Thị Thu Thủy, tổ trưởng quét thu gom rác, là đôn đốc, kiểm tra tiến độ làm việc của các thành viên trong tổ. Ảnh: THUẬN VĂN

Nhắc lại những lần làm việc nghĩa của mình, bà Thủy cho rằng bà làm một phần vì trách nhiệm, một phần do thói quen. “Nhiều lúc thấy người ta bị xe tông gãy tay, gãy chân nằm đó tôi cũng sợ nhưng rồi cũng không bỏ được. Đó đã như một phần trong công việc của tôi” - bà Thủy nói và bảo từ khi phối hợp với Công an quận Bình Thạnh tham gia “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm” thì bà cũng hình thành thói quen gọi công an xuống cùng hỗ trợ.

“Hồi đó gặp 2-3 vụ/tháng là chuyện bình thường nhưng gần đây tôi thấy ít hơn hẳn rồi” - bà Thủy hồ hởi chia sẻ niềm vui.

 Bà Lê Thị Thu Thủy có 29 năm gắn bó với nghề làm đẹp bộ mặt đô thị. Ảnh: THUẬN VĂN

Bà Lê Thị Thu Thủy có 29 năm gắn bó với nghề làm đẹp bộ mặt đô thị. Ảnh: THUẬN VĂN

Phổ biến các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm

Trung tá Thái Quốc Khánh, Đội trưởng Đội tham mưu - tổng hợp Công an quận Bình Thạnh, cho biết mô hình “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm” từ khi được phối hợp triển khai đã hỗ trợ cho lực lượng công an rất nhiều trong giải quyết một số vụ việc về trật tự xã hội trên đường phố.

Có thể kể đến như phát hiện các hành vi nghi vấn phạm tội, phát hiện kẻ trộm cắp, cướp giật, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông, nhặt và trả lại giấy tờ, tài sản cho người làm rơi…

Trong quá trình tổ chức mô hình, Công an quận Bình Thạnh cùng Công ty Dịch vụ công ích đã tổ chức tập huấn cho tổ một số kỹ năng nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm trên địa bàn quận.

Đồng thời xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin liên lạc có danh bạ điện thoại gắn kết giữa trực ban công an quận, công an 20 phường, trưởng ban bảo vệ dân phố với các đội, tổ, nhóm của công nhân.

“Qua đó, việc thực hiện thông báo thông tin công nhân đường phố luôn kịp thời đến cơ quan chức năng, xử lý nhanh gọn và hiệu quả, bảo vệ công nhân trong việc tố giác tội phạm” - Trung tá Thái Quốc Khánh nói.

Thời gian tới, Công an quận Bình Thạnh sẽ thường xuyên phối hợp để tập huấn cho lực lượng công nhân đường phố nắm được những kiến thức cơ bản trong quá trình tham gia phòng, chống tội phạm, phổ biến các phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm đến tổ công nhân để nắm bắt…

Kết quả ấn tượng 10 năm quận Bình Thạnh triển khai mô hình

“Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm” hoạt động từ năm 2014, đến nay trên toàn TP.HCM có 119 tổ công nhân vệ sinh môi trường với hơn 3.300 thành viên.

Riêng ở quận Bình Thạnh, tổ đã phát hiện, ngăn ngừa hàng trăm trường hợp có ý đồ trộm cắp tài sản của người dân và thông báo kịp thời 48 vụ việc. Trong đó, 19 trường hợp bị tai nạn giao thông đã được báo cho công an phường kịp thời xử lý, bảo vệ tài sản của người bị nạn. Có năm trường hợp đã giúp đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu, ba trường hợp trao trả ví tiền cho người bị nạn làm rơi.

Tổ này còn phát hiện, báo kịp thời cho công an phường xử lý bảy trường hợp say rượu chạy xe máy bị té bất tỉnh, bỏ xe nằm ngủ trên đường.

Ngoài ra, tổ công nhân đã nhặt được 18 cái ví, hai ba lô bị đánh rơi với nhiều giấy tờ quan trọng và trả lại cho người bị mất.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-mot-tphcm-an-toan-binh-yen-bai-2-chuyen-cong-nhan-ve-sinh-moi-truong-lam-viec-truong-nghia-post797183.html