Vì một Trái đất xanh - Bài 1: Tác động xấu đến sự sống trên trái đất
Sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tàn phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, ô nhiễm nhựa xuất hiện cả trong lòng đất, đại dương và cơ thể người… Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu tác động xấu đến trái đất, làm cho thiên tai khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường ở khắp các quốc gia, các châu lục, trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết làm rõ hơn nội dung này.
Bài 1: Tác động xấu đến sự sống trên trái đất
Tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng tăng rõ nét. Những tác động xấu nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến trái đất là rất lớn, thể hiện cụ thể bằng các biểu hiện như: mực nước biển dâng, băng tan, tình trạng nắng nóng, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, giảm đa dạng sinh học, hủy diệt hệ sinh thái...
Tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng
Mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, cảnh báo nhân loại chỉ có chưa đến 3 năm để cắt giảm khí thải.
Theo báo cáo, từ năm 2025, lượng khí thải trên toàn cầu phải giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Giải pháp hữu hiệu là thế giới cần chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá và cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở mức lần lượt 60% và 70%.
Nếu không thực hiện được mục tiêu này, thế giới sẽ không thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Theo tính toán, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, trái đất vốn liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ qua sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược. Cụ thể, hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ. Gần 50% dân số thế giới trong "vùng nguy hiểm" vì biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng "rất cao".
Khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.
Hiện nay, trái đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiều mô hình dự báo cho thấy, nhiệt độ sẽ tăng thêm hơn 1,5 độ C khi lượng khí thải vẫn tăng. Các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu, chủ yếu do hoạt động của con người gây ra, đang khiến các hình thái thời tiết thay đổi. Điều này khiến một số nơi bị hạn hán kéo dài trong khi những nơi khác lại hứng chịu những cơn bão lớn bất thường.
Giống như nhiều khu vực khác ở miền Tây nước Mỹ, bang New Mexico đang vật lộn với hạn hán kéo dài nhiều năm nay, khiến khu vực này dễ xảy ra cháy rừng. Mặc dù đây là hiện tượng tự nhiên, song quy mô và mức độ cháy rừng đang gia tăng.
Mới đây, trận bão tuyết hiếm gặp vào mùa Xuân đã trút xuống các bang vùng Prairie (miền Tây Canada) và nhiều khu vực của tỉnh Ontario, khiến hoạt động của nhiều sân bay, trường học và tuyến đường bị gián đoạn. Chuyên gia khí tượng thuộc cơ quan Environment Canada, bà Natalie Hasell cho biết người dân Canada ít khi chứng kiến tuyết rơi dày 30 cm trong tháng 4.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng 14% vào năm 2030, 30% vào năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.
Bên cạnh đó, tác động của mực nước biển dâng làm suy kiệt nguồn tài nguyên nông nghiệp, thủy hải sản, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, phá huy nhà cửa, dẫn đến người dân di cư, tị nạn hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà cửa, làm trầm trọng thêm xung đột.
Châu Á là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ nhất do mực nước biển dâng. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là một trong các khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất của mực nước biển dâng. Theo Kịch bản mới nhất về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nếu mực nước biển dâng 80 cm, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có nguy cơ ngập rất cao, khoảng 31,94% diện tích.
Có thể thấy, sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính, làm cho trái đốc nóng lên, dẫn đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục, là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới. Biểu hiện của biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng ở mọi nơi trên thế giới thông qua việc các hiện tượng cực đoan khí hậu đang xảy ra ngày càng nhiều hơn như nắng nóng, hạn hán và cháy rừng... Hơi nước hiện hữu nhiều hơn trong khí quyển, dẫn đến những trận mưa lớn cực đoan và lũ lụt. Sự ấm lên của đại dương làm các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm gia tăng các tác động vùng ven biển.
Rác thải nhựa "gánh" nặng cho môi trường
Rác thải nhựa là một phần "mắt xích" tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Những cảnh báo về ô nhiễm rác thải liên tục được nâng cao, dù các quốc gia đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề rác nhựa và tái chế.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến việc sử dụng sản phẩm nhựa trong năm 2020 giảm 2,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần lại tăng lên và việc sử dụng đồ nhựa nói chung dự kiến sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Trước bối cảnh tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Mathias Cormann kêu gọi các nước trên thế giới cần phối hợp để có những giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ứng phó với thách thức này.
Bên cạnh đó, ô nhiễm vi nhựa hiện phổ biến trên khắp hành tinh, khiến con người không thể tránh khỏi nguy cơ phơi nhiễm. Điều này gây ra mối lo ngại về tác động của hạt vi nhựa đối với sức khỏe của chúng ta. Theo đó, con người có thể hít phải các hạt siêu nhỏ này, cũng như hấp thụ chúng qua thức ăn và nước uống. Người lao động tiếp xúc với mức độ vi nhựa cao cũng có nguy cơ sinh bệnh. Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học ở Anh đã tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ từ mô của 11 trong tổng số 13 bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Các vi hạt phổ biến nhất là polypropylene (loại nhựa thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm và ống nhựa), PET (loại nhựa thường dùng trong chai nước uống).
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một "gánh nặng" nghiêm trọng cho môi trường. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon tăng dần theo từng năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 công bố Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch hành động quốc gia đề ra mục tiêu đến đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, với mục đích đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; trong đó chú trọng đưa nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy.
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế; chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế, các công ty dược, các nhà thuốc hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy. Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 15/7/2019 về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành…
Đến nay, hầu hết các địa phương đều có chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy bằng các sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường trong hoạt động thường nhật.
Đặc biệt, mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới.