Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn, an toàn hơn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, các nhà tài trợ và các đối tác khác trong nước và quốc tế, vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn và an toàn hơn - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Angela Pratt khẳng định.
Bà Angela Pratt đưa ra nhận định trên khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Hệ thống y tế của Việt Nam đang ở trong một thời điểm quan trọng, khi mà dân số già hóa nhanh chóng, gánh nặng bệnh tật thay đổi (bao gồm cả làn sóng gia tăng các bệnh không lây nhiễm), cũng như nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Tất cả đều tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế chất lượng.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, các bệnh truyền nhiễm, như HIV/AIDS, viêm gan, lao và sốt rét... vẫn ảnh hưởng đến một số nhóm dân số tại Việt Nam. Biến đổi khí hậu đang có tác động ngày càng tăng đến y tế của đất nước. Nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh y tế vẫn là mối đe dọa chưa từng có.
Vì những lý do này, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, WHO và Bộ Y tế sẽ hợp tác trên 5 lĩnh vực chính để củng cố và nâng cao ngành y tế Việt Nam. Đó là:
Xây dựng hệ thống pháp luật và quy định mạnh mẽ hơn để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ hơn, tích hợp hơn để giúp đáp ứng nhu cầu sức khỏe thiết yếu cho tất cả người dân.
Tăng cường năng lực quốc gia về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế, và phục hồi.
Giảm các yếu tố nguy cơ đối với bệnh không lây nhiễm và thương tích, thúc đẩy lối sống lành mạnh.
Xây dựng ngành y tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bền vững hơn với môi trường, với hành động hướng tới giảm tác động sức khỏe của các vấn đề khí hậu và môi trường.
Đảm bảo một kỳ nghỉ Tết an toàn và lành mạnh
Hiện nay, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng ở cấp độ toàn cầu của biến JN.1 của COVID-19 vẫn ở mức thấp, mặc dù biến thể này đã được ghi nhận ở hơn 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng, do nhiều quốc gia và một số vùng, miền của Việt Nam đang trải qua mùa Đông, nên sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và các loại virus khác gây bệnh về đường hô hấp đều tăng lên đáng kể.
TS. Angela Pratt khuyến nghị, Việt Nam tăng cường xét nghiệm và giải trình tự gene một cách có hệ thống để hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại và cung cấp thông tin cho việc đưa ra các quyết định về y tế công cộng.
Ngoài ra, Việt Nam, cùng với tất cả các quốc gia khác có thể tiếp tục tăng cường năng lực ở cấp quốc gia và địa phương trong việc chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác có khả năng gây đại dịch.
Không ai muốn mình mắc bệnh, đặc biệt là vào dịp Tết. Nhưng khi nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế gia tăng, cùng với đó là nhiều cuộc tụ họp đông người, "Vì thế, chúng tôi khuyến khích mọi người tiếp tục tự đánh giá nguy cơ của mình và của người thân; tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế cơ bản, như rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi đông người và ở nhà nếu cảm thấy không khỏe. Những biện pháp tưởng như đơn giản này nhưng lại có thể bảo đảm để mọi người đều có một kỳ nghỉ Tết an toàn và lành mạnh", bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 để bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao khỏi mắc bệnh nặng và tử vong, bao gồm: Người cao tuổi, người cao tuổi có bệnh nền, người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, phụ nữ có thai, nhân viên y tế có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân...