Vi nhựa có khả năng xâm nhập hàng rào máu não

Hàng triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển mỗi năm bị lực tác động của đại dương phân hủy thành những mảnh nhỏ.

Khi ở trong não, các hạt nhựa tích tụ trong tế bào vi mô.

Khi ở trong não, các hạt nhựa tích tụ trong tế bào vi mô.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu ảnh hưởng của tình trạng này đối với các sinh vật tiêu thụ mảnh vỡ rác thải nhựa. Các nhà khoa học ở Hàn Quốc đã tập trung nghiên cứu, khám phá mối đe dọa mà các hạt nhựa này gây ra đối với não của động vật có vú. Các hạt nhựa này được phát hiện có khả năng hoạt động như một chất độc hại.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã tiết lộ, vi nhựa có mối đe dọa đối với nhiều sinh vật biển. Một trong số đó bao gồm việc làm suy yếu khả năng kết dính của các cơ, suy giảm khả năng nhận thức ở loài ốc mượn hồn và gây ra chứng phình động mạch cũng như thay đổi về sinh sản ở cá. Vi nhựa cũng xuất hiện trong ruột của các loài rùa biển trên khắp thế giới.

Đồng thời, chúng được phát hiện trong phân hải cẩu như một bằng chứng về việc đang di chuyển lên chuỗi thức ăn. Nghiên cứu cũng cho thấy, vi nhựa có thể làm thay đổi hình dạng các tế bào phổi của con người.

Để hiểu thêm về những mối nguy này, trong 7 ngày, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (Hàn Quốc) đã tiêm vào chuột vi nhựa polystyrene có kích thước 2 micromet hoặc nhỏ hơn.

Tương tự người, chuột có hàng rào máu não ngăn hầu hết các chất lạ, đặc biệt là chất rắn, xâm nhập. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện, vi nhựa có thể vượt qua hàng rào này. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of The Total Environment.

Khi ở trong não, các hạt nhựa tích tụ trong tế bào vi mô - “chìa khóa” duy trì sức khỏe của hệ thần kinh trung ương. Các tế bào vi mô coi vi nhựa là mối đe dọa. Do đó, chúng sẽ thay đổi hình thái và cuối cùng dẫn đến tình trạng “apoptosis” - chết tế bào theo chương trình.

Các nhà khoa học cũng thực hiện thí nghiệm trên tế bào vi mô của người. Họ nhận thấy, có sự xuất hiện của tình trạng thay đổi hệ thống miễn dịch, thông qua sự thay đổi biểu hiện của các gen, kháng thể liên quan và microRNA. Như đã thấy trong não chuột, điều này cũng gây ra tình trạng “apoptosis”.

“Nghiên cứu cho thấy, các vi nhựa, đặc biệt là vi nhựa có kích thước từ 2 micromet trở xuống, bắt đầu lắng đọng trong não dù cơ thể hấp thụ trong thời gian ngắn như 7 ngày. Điều đó dẫn đến “apoptosis” và sự thay đổi phản ứng miễn dịch cũng như phản ứng viêm”, tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Seong-Kyoon Choi cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/vi-nhua-co-kha-nang-xam-nhap-hang-rao-mau-nao-uatHIlpng.html