Vì những mái ấm không bạo lực
Hưởng ứng Ngày thế giới Xóa bỏ bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11), Sở VH-TTDL tổ chức nhiều hoạt động, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về định kiến giới và hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Các hoạt động đã và đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nam giới trong phòng, chống bạo lực.
* Nhiều giải pháp hỗ trợ
Theo đánh giá của Sở VH-TTDL, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây giảm về số vụ nhưng vẫn tăng về mức độ nghiêm trọng, diễn ra phức tạp. Việc phát hiện, xử lý các vụ BLGĐ nhiều lúc chưa kịp thời, ở một số địa phương chính quyền còn chậm vào cuộc xử lý.
Trước tình hình đó, Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực vào các mô hình như: Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; CLB nam giới nói không với BLGĐ; các địa chỉ tin cậy cộng đồng; điểm tạm lánh BLGĐ... Các mô hình này đã phát huy được hiệu quả trong việc nắm bắt thông tin, tổ chức hòa giải và vận động người dân thực hiện các biện pháp can thiệp hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã xảy ra 1.667 vụ bạo lực gia đình, xử lý hình sự 38 vụ - 38 đối tượng; xử lý hành chính 328 vụ - 335 đối tượng; hòa giải, giáo dục ngăn chặn 1.301 vụ. Hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16-59.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Đồng Nai vẫn đẩy mạnh truyền thông về phòng chống BLGĐ như treo băng rôn, khẩu hiệu, tọa đàm trực tuyến, giao lưu về phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới... Tổ chức 11 lớp tập huấn; trang bị 26 tủ, 572 cuốn sách cho 26 CLB gia đình; 330 bộ đồng phục (áo, mũ) cho 66 nhóm phòng, chống BLGĐ; cấp 5 ngàn cuốn sổ tay tuyên truyền về phòng, chống bạo lực cho cơ sở.
Theo anh Đặng Hoàng Phúc, Phó chủ nhiệm CLB Nam giới nói không với BLGĐ H.Long Thành, từ khi thành lập, CLB triển khai các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực cho mỗi thành viên. Để nắm bắt kịp thời những thông tin bạo lực và nguy cơ bạo lực ở địa phương, các thành viên thường sử dụng cách thức đến để biết mặt, biết nhà rồi dần dà tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến bạo hành. Sau khi xác định được nguyên nhân, tùy từng trường hợp, CLB sẽ có giải pháp cụ thể.
“Những trường hợp người vợ bị bạo hành do ghen tuông, không chí thú làm ăn, các thành viên sẽ nhỏ to tâm sự, lúc với chồng, lúc với vợ để họ nhận ra vấn đề. Những gia đình có mâu thuẫn do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, CLB sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn làm ăn… Nhờ vậy, trong năm 2020, tỷ lệ vụ việc BLGĐ ở địa phương đã giảm hẳn so với trước đây” - anh Phúc chia sẻ.
Mới đây, Tỉnh đoàn đã ra mắt CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh Đồng Nai, với 15 thành viên, gồm: 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm và 13 thành viên đang hoạt động tại các cơ quan, các tổ chức xã hội nhiệt tình, tâm huyết với công tác trẻ em. Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn cho biết, CLB ra đời nhằm hỗ trợ, tư vấn cho trẻ em những điều luật liên quan đến trẻ em, cụ thể là Luật Trẻ em năm 2016; chăm sóc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ.
“CLB chia làm 3 nhóm: nhóm hỗ trợ về tâm lý gồm những bác sĩ tâm lý và giáo viên tổng phụ trách Đội; nhóm hỗ trợ pháp lý gồm những luật sư, các sở, ngành liên quan và nhóm dư luận xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai mô hình này đến tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho trẻ em, không chỉ ở trong gia đình, nhà trường mà còn ở cộng đồng” - chị Bùi Thị Nhàn nói.
* Khó khăn phía trước…
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn mô hình phòng, chống BLGĐ với mạng lưới gồm hàng ngàn cộng tác viên, tình nguyện viên. Tuy có nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống BLGĐ nhưng Đồng Nai vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề nhận thức của người bị bạo hành vẫn còn rất hạn chế, nhiều người vẫn giữ tâm lý “xấu chàng hổ thiếp”, ngại “vạch áo cho người xem lưng”. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác gia đình ở cơ sở còn thiếu và đa phần là cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm. Đặc biệt, các hình thức xử lý vi phạm BLGĐ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, việc đẩy lùi bạo lực, điều quan trọng nhất là ngay từ khi có mầm mống, phụ nữ và trẻ em phải “nhìn thẳng” vào vấn đề và dũng cảm lên tiếng bằng cách chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần nâng cao kiến thức pháp luật, dấu hiệu nhận biết bạo lực để có biện pháp giải quyết kịp thời.
“Để chấm dứt tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đã đến lúc cả xã hội phải vào cuộc với tinh thần: Lên tiếng phản ánh đi đôi với hành động bảo vệ. Cần giúp phụ nữ nhận thức rõ quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực rằng, BLGĐ cần bị lên án chứ không phải là câu chuyện trong nhà. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm với những người gây ra bạo lực; phối hợp các cấp hội phụ nữ tiến hành biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho phụ nữ và trẻ em” - bà Nguyễn Thị Mộng Bình nhấn mạnh.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202011/vi-nhung-mai-am-khong-bao-luc-3031942/