Vị Ni 22 năm giúp người bớt khổ
Đó là Ni sư Thích nữ Huệ Ngọc, chùa Bửu Long (ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang).
Thấy người khổ mình giúp
Cô Huệ Ngọc chỉ tự nhận mình là một vị Ni tu hành bình thường, đơn sơ, chuyên tu niệm Phật và làm việc lợi tha. Chắc hẳn, nếu người hữu duyên gặp Ni sư đều cảm nhận được phong thái giản dị, nồng ấm và từ bi của cô. Ở tuổi thất thập, Ni sư vẫn tận tâm cho công tác từ thiện xã hội và phụng sự Tam bảo.
Ni sư cho biết, cô sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, cuộc sống nghèo khổ, tuổi thơ vất vả, ở tuổi thiếu niên đã trải qua nhiều việc khác nhau: làm thuê làm mướn, lên rừng hái thuốc đổi gạo, đến việc buôn gánh bán bưng ở chợ, không có điều kiện để đi học chữ. Chính vì vậy, Ni sư thấu hiểu hoàn cảnh người gặp khó khăn, nên đã mang tâm nguyện giúp đỡ cho người khó khăn.
“Khi còn khả năng là còn tận tâm vì những người cần giúp đỡ”, Ni sư tâm niệm.
Công việc từ thiện bắt đầu từ khi ngôi chùa được thành lập vào năm 1981, Ni sư đã mở phòng thuốc nam từ thiện. Bấy giờ, nguồn thuốc nam rất dồi dào và dễ huy động.
Ni sư quan niệm, việc làm từ thiện cũng không cần tổ chức bài bản mà cứ gặp lúc người khó khăn cần giúp đỡ, nếu mình có khả năng thì cứ sẵn lòng giúp liền, của ít nhưng lòng nhiều.
Giai đoạn đầu Ni sư làm từ thiện tự phát, tự lực từ nguồn thu của quầy thực phẩm chay ở chùa. Từ tháng 9-1998 đến năm 2016, Ni sư Huệ Ngọc tham gia vào các tổ chức đoàn thể theo nhiệm kỳ để mở rộng phạm vi công tác từ thiện xã hội hơn như: Hội Bảo trợ Trẻ em Cai Lậy, Hội Khuyến học Cai Lậy, Hội Chữ Thập Đỏ, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Tiền Giang (ASVHO),... Từ đây, cô vận động được các nhà hảo tâm trực tiếp đến giúp đỡ cho những đối tượng khó khăn vùng sâu vùng xa.
Từ năm 1998 đến nay, trải qua 22 năm, các chương trình từ thiện xã hội do Ni sư phát động hoặc nhận lời kêu gọi từ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hội rất đa dạng và phong phú cho những đối tượng cá nhân và tập thể bao gồm hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam dioxin; phát quà cho các hộ nghèo tại các địa phương; phát quà bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang; ủng hộ bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy; ủng hộ Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo đề nghị của UBND và Ban Trị sự Phật giáo sở tại; ủng hộ người dân bị thiên tai vùng miền; đóng góp cho các đợt vận động từ thiện xã hội của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang; hỗ trợ người bị phỏng, tai nạn lao động, tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ người nghèo neo đơn tại địa phương; xây nhà tình thương, nhà nhân ái; đóng góp xây dựng cầu đường, văn hóa nông thôn mới; quyên góp quần áo từ thiện; ủng hộ quân nhân nhập ngũ; tặng xe đạp, tập bút, quà trung thu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cơm chay từ thiện ngày rằm; hỗ trợ gạo cho thanh niên tình nguyện mùa hè xanh, đóng góp bữa ăn cho đội xây cầu từ thiện...
Làm thiện không khó
Người luôn dạy cho các đệ tử: “Làm việc thiện không khó, chỉ cần có tâm huyết là sẽ làm được, tiền của sẽ có giá trị và ý nghĩa khi chúng ta biết chia sẻ khi có thể, dù chỉ một chút nhưng bằng tấm lòng, phước đức vẫn vuông tròn”.
Ni sư cho rằng, người sống trên đời bao giờ cũng cần hai yếu tố: tri thức và lòng thương người. Hãy sử dụng hai yếu tố đó hết mức có thể, học đi đôi với hành, từ thiện đi đôi với sự hiểu biết, lan tỏa tình người trong cuộc sống, có như vậy cuộc sống ý nghĩa còn gì bằng khi con người biết chia sẻ với nhau.
“Tôi làm được vậy đều nhờ mạnh thường quân, nên rất trân trọng tri ân quý Phật tử, các nhà hảo tâm đã đồng hành suốt ngần ấy năm” - Ni sư chia sẻ. Cô Huệ Ngọc chỉ nhận là cầu nối cho họ ươm mầm thiện nguyện.
Nói về họ, Ni sư Huệ Ngọc xúc cảm: “Trải qua bao vô thường sinh diệt của đời người, có người đã ra đi và người còn ở lại, nhưng cái tâm thiện cho đi một cách trong sáng, thầm lặng và niềm tin vào Phật pháp bền vững của quý Phật tử, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm đã trở thành động lực lớn nhất trong quá trình hành đạo giúp đời và họ xứng đáng được trân trọng hơn hết.
Ở tuổi này, vị Ni sư cho biết cho biết còn có một niềm vui khác, là dành hầu hết thời gian để đọc kinh sách. “Tuổi thơ và thời trung niên không có điều kiện và thời gian tầm kinh học sử, nên hiện giờ phải trau dồi nhiều hơn”, Ni sư bày tỏ.
Những ghi nhận xứng đáng
Ni sư Thích nữ Huệ Ngọc đã nhận bằng khen các cấp chính quyền từ xã, huyện thị, tỉnh nhiều năm liền; thư tri ân của các tổ chức đoàn thể, hội, trường Trung cấp Phật học,...
Năm 2018, Ni sư nhận bằng khen và kỷ niệm chương của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam (cấp T.Ư). Năm 2019, nhận bảng vàng lưu danh của Báo Lao động & Xã hội; chứng nhận top “100 nhà hoạt động xã hội tiêu biểu năm 2019” (Top 100 “Typical Social Activist” 2019) của Liên hiệp Khoa học Xã hội doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và sáng tạo đồng vinh danh; chứng nhận nhà hoạt động từ thiện xã hội tiêu biểu cống hiến vì sự phát triển cộng đồng tại chương trình “Di sản Văn hóa - trường tồn cùng dân tộc” do Viện nghiên cứu Văn hóa và phát triển và Tạp chí Điện tử Văn hiến Việt Nam tổ chức tháng 10-2019.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/vi-ni-22-nam-giup-nguoi-bot-kho-post54378.html