Vi phạm đê điều ở Thủ đô biến đổi khôn lường: Làm sao 'diệt' tận gốc?

Vi phạm đê điều đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn Thủ đô với muôn hình vạn trạng. Tình trạng này không chỉ đe dọa an toàn công trình chống lũ mà còn làm gia tăng rủi ro thiên tai, gây bức xúc trong nhân dân khi mùa mưa bão đã bắt đầu. Trong khi các vi phạm cũ chưa được giải quyết, xử lý thì lại liên tiếp phát sinh những vi phạm mới.

Công trình trạm trộn bê tông này là một trong những vi phạm điển hình về đất đai, đê điều mà Thanh Tra thành phố Hà Nội đã kết luận. Theo đó, hàng chục nghìn mét vuông đất tại đây có nguồn gốc là đất nông nghiệp ở bãi sông Hồng bị Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà - Việt Đức san lấp, xây dựng trạm trộn bê tông. Những vi phạm này đã được cơ quan Thanh tra chỉ ra và kiến nghị xử lý. Thế nhưng, đến nay UBND quận Hoàng Mai vẫn không có biện pháp kiểm tra, chỉ đạo xử lý dứt điểm dẫn đến phát sinh sai phạm khác. Không biết từ khi nào tại đây đã mọc lên cảng bốc xếp vật liệu xây dựng.

Ông Đinh Văn Hiếu, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Nội: “Đây là một trong những vụ việc được xác định là kéo dài. Theo tôi nắm bắt được, thì đối với khu vực này từ thời điểm các lãnh đạo của UBND phường trước đây cũng đã có những động thái tuy nhiên thì trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch cưỡng chế còn có rất nhiều những bất cập.”

Ông Trần Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND Phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội: “UBND Phường Lĩnh Nam cũng đang củng cố tất cả các hồ sơ liên quan và có các buổi làm việc cùng hạt quản lý đê điều làm việc với Công ty cổ phần Sông Đà Việt Đức liên quan đến 2 nội dung trong kết luận thanh tra là nhà điều hành và trạm trộn bê tông. Về việc này UBND phường đang tiếp tục thực hiện các chỉ đạo củng cố các hồ sơ có liên quan để báo cáo UB quận xây dựng kế hoạch xử lý vụ việc theo tinh thần chỉ đạo của các cấp.”

Vụ việc vi phạm Luật đê điều tương tự cũng xảy ra nhiều năm trên địa bàn huyện Phú Xuyên, nhưng không được xử lý. Theo Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội, mặc dù không được cấp phép xây dựng nhà xưởng và trạm trộn tại đây nhưng do buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, các vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại và không xử lý được.

Nguyễn Thị Tình, Phòng Kinh tế UBND huyện Phú Xuyên, Hà Nội: “Theo kế hoạch xử lý trước ngày 30/6. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa xử lý được, huyện cũng sẽ sớm ra quyết định cưỡng chế.”

Trong khi chờ các biện pháp mạnh hơn của các cơ quan quản lý nhà nước thì tại các khu vực vi phạm mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Dư luận không khỏi hoài nghi và đặt câu hỏi về năng lực quản lý và trách nhiệm của chính quyền các cấp. Theo Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội, trong năm 2021, trên địa bàn có 59 vụ vi phạm Luật đê điều. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 40 vụ. Đặc biệt một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê, thoát lũ và an toàn giao thông gây bức xúc dư luận.

Ông Phạm Văn Đông, Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội: “Cái tồn tại dai dẳng phát sinh vi phạm, gốc của vi phạm pháp luật đê điều bắt nguồn từ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Một số cấp chính quyền coi việc xử lý vi phạm chỉ là hình thức không quyết liệt dẫn đến vi phạm tái diễn sau xử lý. Mặt khác không tác quản lý đất đai trật tự xây dựng ở bãi sông, ven đê ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Công tác ngăn chặn xử lý của chính quyền địa phương chưa dược quan tâm dẫn để tỷ lệ vi phạm được xử lý thấp, vi phạm còn tồn đọng nhiều.”

Thiên tai vốn rất khó lường. Mùa mưa bão cũng đã đến trong khi những vi phạm Luật đê điều ở Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại. Vi phạm đã được nêu ra, trách nhiệm của chính quyền và người đứng đầu chính quyền các cấp cũng đã được chỉ rõ, thế nhưng không hiểu vì sao các hành vi vi phạm vẫn không được xử lý dứt điểm?.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/vi-pham-de-dieu-o-thu-do-bien-doi-khon-luong-lam-sao-diet-tan-goc