Vi phạm hợp đồng với cầu thủ ngoại: Bài học từ HAGL và kinh nghiệm cho những người làm bóng đá Việt Nam

HAGL đã phải nhận án phạt nghiêm khắc từ FIFA sau những vi phạm trong trường hợp ngoại binh Martin Dzilah. Đây chắc chắn sẽ là một bài học lớn dành cho không chỉ đội bóng này mà với các đội bóng Việt Nam.

Martin Dzilah khi ký hợp đồng với câu lạc bộ HAGL

Martin Dzilah khi ký hợp đồng với câu lạc bộ HAGL

Bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước tiến đáng kể, với sự phát triển của các câu lạc bộ (CLB), sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thành tích nổi bật của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, một thực tế đáng buồn là các CLB bóng đá tại Việt Nam vẫn thường xuyên vướng phải các vụ việc vi phạm quy định về chuyển nhượng hoặc hợp đồng với cầu thủ ngoại. Các trường hợp này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các CLB mà còn làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trường hợp mới nhất liên quan đến CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và cầu thủ ngoại Martin Dzilah. Dzilah đã đệ đơn khiếu nại lên FIFA, tố cáo HAGL vi phạm hợp đồng lao động. Cầu thủ người Nigieria cho biết CLB không thanh toán đầy đủ lương và các khoản thưởng như đã cam kết, khiến anh phải tìm đến các cơ quan pháp lý quốc tế để đòi quyền lợi.

Đáng nói, ngay khi có những thông tin về việc Dzilah khởi kiện, đại diện HAGL khẳng định mình không sai. Tuy nhiên, câu chuyện sau đó thì ai cũng biết, FIFA xử HAGL thua kiện, yêu cầu đội bóng phố núi thanh toán cho cầu thủ Martin Dzilah 29.000 USD (hơn 714 triệu đồng), bao gồm tiền lương và tiền phạt. FIFA cũng cho biết, nếu phía HAGL không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Martin Dzilah, họ sẽ bị cấm chuyển nhượng.

Năm 2020, CLB Thanh Hóa cũng bị kiện bởi cầu thủ ngoại người Brazil, Gramoz Kurtaj, do vi phạm hợp đồng lao động. Hay trước đó, CLB Đồng Nai cũng từng bị tố cáo vì đơn phương chấm dứt hợp đồng với cầu thủ ngoại mà không bồi thường.

HAGL vừa phải thương lượng với cá nhân tiền đạo Dzilah để tránh án phạt cấm chuyển nhượng từ FIFA

HAGL vừa phải thương lượng với cá nhân tiền đạo Dzilah để tránh án phạt cấm chuyển nhượng từ FIFA

Điểm chung của các trường hợp này là sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý hợp đồng, không tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế do FIFA ban hành, và trong nhiều trường hợp là sự phớt lờ quyền lợi của các cầu thủ ngoại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng đáng nói nhất là sự thiếu hiểu biết pháp lý và tư duy “phép vua thua lệ làng”. Ngoài ra, một số đội bóng thiếu nguồn lực tài chính bền vững, dẫn đến việc không đủ khả năng trả lương, thưởng đúng hạn cho cầu thủ. Khi không có giải pháp, họ chọn cách “lách luật” hoặc bỏ mặc nghĩa vụ hợp đồng, dẫn đến các vụ kiện tụng kéo dài.

Những vụ vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến các câu lạc bộ mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh bóng đá Việt Nam. Trên đấu trường quốc tế, các CLB Việt Nam bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, không đáng tin cậy trong việc hợp tác. Điều này làm giảm sức hút của giải V-League đối với các cầu thủ và nhà đầu tư nước ngoài.

Để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt các vi phạm tương tự, các CLB cần đầu tư vào đội ngũ pháp lý chuyên trách, am hiểu luật bóng đá quốc tế. Đồng thời, cần có các buổi đào tạo dành cho lãnh đạo và quản lý CLB về những quy định cơ bản của FIFA. Bên cạnh đó, hợp đồng ký kết với cầu thủ ngoại cần được xây dựng rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần đóng vai trò giám sát, hỗ trợ các CLB trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Đồng thời, cần có các chế tài mạnh mẽ đối với những đội bóng vi phạm, để răn đe và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đức An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/vi-pham-hop-dong-voi-cau-thu-ngoai-bai-hoc-tu-hagl-va-kinh-nghiem-cho-nhung-nguoi-lam-bong-da-viet-nam-315670.html