Vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn, xử lý

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục xuất hiện nhiều vụ xâm phạm hành lang bảo vệ đê điều, khi đang là mùa mưa, bão. Để thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân Thủ đô, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn các vi phạm phát sinh, xử lý dứt điểm những vi phạm tồn đọng kéo dài.

Kiểm soát viên Hạt Quản lý đê điều Ứng Hòa - Mỹ Đức kiểm tra, xác định khối lượng phế thải đổ trái phép trên mặt đê tả Đáy.

Vi phạm xảy ra ở nhiều nơi

Sông Hồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai của Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, có mặt tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) trong ngày 15-10, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, một đoạn của con sông này đang bị xâm lấn. Nhiều người đã đổ trộm hàng chục nghìn mét khối phế thải xây dựng và san gạt tạo thành nơi trồng cây ăn quả, dựng nhà tạm... Ông Đỗ Đức Trung, người dân phường Tứ Liên cho biết: "Một số đêm có tới 20-30 xe tải, xe tự chế chở phế thải xây dựng đổ xuống ven bờ sông".

Tương tự, nhiều đoạn sông: Hồng, Đuống, Đáy, Nhuệ, Bùi, Cà Lồ… chảy qua địa phận các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Hà Đông, Thường Tín, Chương Mỹ… cũng trở thành nơi đổ phế thải, tập kết cát sỏi, dựng lều lán, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà ở...

Không chỉ lòng sông, nhiều tuyến đê cũng đang bị xâm hại. Trên tuyến hữu Hồng, nhiều khu vực thuộc đoạn qua các xã: Tản Hồng, Phú Châu, Phú Cường… (huyện Ba Vì), người dân xây dựng cổng, tường rào, nhà ở trong hành lang bảo vệ đê. Trên đê tả Đáy, đoạn đi qua các xã: Đồng Tiến, Hòa Nam, thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) tồn tại nhiều công trình xây dựng trên mái đê, mặt đê…

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết: “Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi đã lập biên bản, đề nghị chủ tịch UBND các xã và Chủ tịch UBND huyện Ba Vì xử lý. Mặc dù các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng mới chỉ xử lý hành chính, vận động nhân dân tự tháo dỡ. Do vậy, nhiều vi phạm trên địa bàn huyện Ba Vì chưa được xử lý dứt điểm”.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, 9 tháng năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 51 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó đa phần là hành vi xây nhà cấp 4, móng, công trình phụ; chứa vật tư, đổ phế thải vào phạm vi bảo vệ đê... Các địa phương có nhiều vi phạm nhất là: Huyện Ứng Hòa (17 vụ); huyện Thường Tín (7 vụ); các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Gia Lâm (đều có 4 vụ)… Tuy nhiên, đến nay, các quận, huyện, thị xã mới xử lý được 9 vụ phát sinh trong năm 2020 và 31 vụ tồn đọng từ những năm trước. Tính đến ngày 15-10, trên địa bàn thành phố còn tồn đọng 1.513 vụ vi phạm.

Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội) Phạm Quang Đông cho rằng, việc xây nhà cấp 4, móng, công trình phụ, tập kết vật liệu và đổ phế thải xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, mái đê, mặt đê… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ lưu thoát dòng chảy, đe dọa an toàn hệ thống đê điều. Nếu xảy lũ lớn, cơ quan phòng, chống thiên tai thành phố sẽ rất khó khăn để bảo đảm an toàn cho người dân.

Cần kiên quyết xử lý dứt điểm

Lực lượng chức năng phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) giải tỏa một công trình vi phạm ngoài bãi sông Hồng.

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm hại công trình phòng, chống thiên tai là do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; chủ tịch UBND một số xã, phường, thị trấn và UBND một số quận, huyện, thị xã chưa làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao… Có những vụ vi phạm nghiêm trọng nhưng các địa phương chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế, giải tỏa hoặc thiết lập hồ sơ xử lý hình sự, dẫn đến tái phạm, phát sinh vi phạm mới…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, quận đã chỉ đạo phường Tứ Liên lập 3 chốt ra vào khu vực bãi sông để chấm dứt hành vi đổ trộm phế thải xuống lòng sông; tổ chức thanh thải phế thải trên bãi sông. Công an quận điều tra, thiết lập hồ sơ, kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi bảo kê hoạt động đổ phế thải xuống lòng sông Hồng...

Còn Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định: "Huyện sẽ hạ thi đua và cho tạm dừng điều hành công việc đối với chủ tịch UBND những xã để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đê điều nhưng không kịp thời xử lý, dẫn đến vượt thẩm quyền rồi đẩy lên cấp trên. Huyện cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến hành lang chân đê hữu Hồng, hữu Đà".

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) Vương Quang Thành thông tin: "Thị trấn đã phân loại và đang triển khai kế hoạch giải tỏa, từ nay đến cuối năm sẽ xử lý dứt điểm 51 trường hợp vi phạm nghiêm trọng trên đê tả Đáy. Song song đó, thị trấn đề nghị các cấp, ngành của huyện Ứng Hòa và thành phố Hà Nội bố trí khu đất và hỗ trợ kinh phí di dời 500 hộ dân sinh sống dọc tuyến đê đến nơi ở mới”.

Dưới góc độ là đơn vị chủ trì công tác kiểm tra, đôn đốc việc xử lý vi phạm về đê điều, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: “Giải pháp quan trọng nhất là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ, kiên quyết xử lý vi phạm”.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981244/vi-pham-phap-luat-ve-de-dieu-tren-dia-ban-ha-noi-quyet-liet-ngan-chan-xu-ly