Vi phạm trật tự, an toàn xã hội được kiểm soát
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, năm 2024, tình hình vi phạm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được kiểm soát. Lực lượng cảnh sát hình sự trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội (TTXH). Qua đó, góp phần kéo giảm tội phạm TTXH, không để hình thành các băng nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tín dụng đen hoạt động phức tạp kéo dài.
Tuy nhiên, tội phạm về TTXH từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Năm qua, tội phạm TTXH bị khởi tố 493 vụ, chiếm 71,51% tổng số vụ xảy ra, liên quan 618 bị can; so với năm 2023 giảm 2% về số vụ, giảm 9% về bị can.
Tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 95,94%. Trong đó, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu chiếm 55,4%; nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, nhân phẩm, sức khỏe, danh dự chiếm 40%; tội phạm xâm phạm an toàn trật tự công cộng 2,2%; nhóm tội danh khác chiếm 4,6%.
Qua thống kê cho thấy, một số tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm về TTXH, như: trộm cắp chiếm 31,4%; cố ý gây thương tích chiếm 22,3%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm 13,2%... Một số loại tội phạm giảm như: trộm cắp tài sản giảm 14,8%, giết người giảm 59,3%, cướp giật tài sản giảm 46,7%, cướp tài sản giảm 23,1%.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành Công an năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, cho biết: "Lực lượng Cảnh sát hình sự đã chủ động triển khai thực hiện quyết liệt các phương án, kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm; trực tiếp tham gia các tổ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự và trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch triệt xóa tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, xác lập các chuyên án để đấu tranh các đối tượng phạm tội, góp phần kéo giảm tội phạm về TTXH trên địa bàn tỉnh".
Theo cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và hoạt động phạm tội có xu hướng tăng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có do tác động tiêu cực từ một số mặt trong đời sống xã hội như: lối sống thực dụng thích hưởng thụ, lười lao động, suy thoái đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật kém của một số người dân... Tội phạm có xu hướng trẻ hóa, bị hại là trẻ em ngày càng nhiều, nguyên nhân do sự phối hợp giáo dục, quản lý từ nhà trường, gia đình còn nhiều hạn chế.
Thượng tá Phan Bửu Kiếm nhìn nhận, công tác trấn áp, triệt xóa tội phạm về TTXH đã qua còn một số hạn chế. Công tác nghiệp vụ cơ bản từng lúc hiệu quả chưa cao, chưa chủ động quản lý đối tượng, nhất là đối tượng ngoài tỉnh, đối tượng hoạt động lưu động, đối tượng ma túy, đối tượng có tiền án tiền sự, các nhóm thanh - thiếu niên tụ tập gây rối đánh nhau gây thương tích.
Công tác tiếp nhận xử lý vụ việc ban đầu của cơ quan điều tra cấp huyện chưa chặt chẽ, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tổ chức hòa giải giữa đối tượng và bị hại kém hiệu quả, dẫn đến trong năm qua khởi tố 14 vụ cố ý gây thương tích theo yêu cầu bị hại, nhưng sau đó phải đình chỉ điều tra do bị hại rút đơn.
Công an cấp huyện và chính quyền cơ sở chưa nắm chặt tình hình các vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn nội bộ Nhân dân dẫn đến chưa kịp thời phát hiện các vụ việc dân sự có dấu hiệu tội phạm để chủ động vào cuộc tổ chức đối thoại, vận động, thỏa thuận giữa các bên, dẫn đến phát sinh phức tạp khiếu nại, tố cáo buộc phải xử lý hình sự.
Ðối với công tác này, theo Thượng tá Phan Bửu Kiếm, với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự, Ban Giám đốc Công an tỉnh về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Cùng với đó, cần phải phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quần chúng Nhân dân. Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở, gia đình nhà trường trong tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các nhóm đối tượng là trẻ em, người dưới 18 tuổi, chấp hành pháp luật. Thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn tội phạm để chủ động các phương án phòng ngừa và tố giác tội phạm.
“Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, đánh giá đúng tình hình tội phạm ở từng địa bàn, lĩnh vực, nhận diện tội phạm nổi lên, các loại tội phạm có xu hướng tăng và nguyên nhân phát sinh, để từ đó chủ động quản lý đối tượng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý, không để hình thành băng nhóm hoạt động phức tạp...”, Thượng tá Phan Bửu Kiếm cho biết./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vi-pham-trat-tu-an-toan-xa-hoi-duoc-kiem-soat-a36895.html