Vi phạm trên môi trường thương mại điện tử ngày càng nhiều
'Ngày nay, hoạt động thương mại điện tử ngày càng xuất hiện các hành vi vi phạm trong giao thương. Đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ'.
Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Giải quyết tranh chấp thực tuyến” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức sáng nay (30/3) tại Hà Nội.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trong năm 2020 thương mại điện tử nước ta tăng trưởng 15%, đạt quy mô khoảng hơn 13 tỷ USD. Dự báo ngành này tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm nay và cả giai đoạn đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á với 34%. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp có thương mại điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán hàng qua email, website, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội… liên tục tăng hàng năm.
Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử lại đang diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch và mạng xã hội.
Ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp nước ngoài nhìn nhận chúng ta là một thị trường tiềm năng phát triển thương mại điện tử, với lợi thế về dân số trẻ, năng động và thích nghi với các mô hình mới. Cùng với đó, có lợi thế về hạ tầng viễn thông bắt kịp xu hướng, môi trường chính sách thuận lợi, hậu thuẫn doanh nghiệp kinh doanh… Tuy nhiên, thương mại truyền thống hay thương mại điện tử vẫn luôn luôn có xung đột, tranh chấp và lừa đảo. Do đặc thù của môi trường trực tuyến có tốc độ lan nhanh, rộng và mức độ tiếp cận với người tiêu dùng nhanh, vì thế môi trường điện tử có nhiều rủi ro hơn”.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho biết thực tế những hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử trong nước cũng như hoạt động có yếu tố nước ngoài đang phát sinh nhiều hình thức như: hàng hóa kém chất lượng khác so với quảng cáo; hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc, hàng kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử...
Để giải quyết những tranh chấp thương mại của người tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, việc Trung Tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam kiến nghị, ra mắt nền tảng hòa giải trực tuyến là một hướng đi phù hợp.
“Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải một cách dễ tiếp cận hơn, tiết kiệm chi phí nhiều hơn và cũng hài hòa hơn cho các bên. Với Nghị quyết số 68 của Chính phủ đã nhấn mạnh phải cắt giảm các điều kiện liên quan lĩnh vực liên quan. Tôi nghĩ việc triển khai trên nền tảng hòa giải online một công cụ vô cùng hữu ích trong việc cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp, cho Nhà nước và cho người dân và qua đó cho cả xã hội. Từ đó, tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn và lành mạnh hơn” - bà Nguyễn Thị Mai nói./.