Vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
ĐBP - Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Qua đó, đã góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát nội bộ, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đất đai… trong THTK, CLP.
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Qua thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, Thanh tra tỉnh đã phát hiện một số hạn chế: Chưa phân bổ hết dự toán đầu năm cho từng cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện; chưa ưu tiên bố trí vốn thanh toán các công trình đã có khối lượng hoàn thành; không kịp thời thu hồi tạm ứng tại dự án đã hết thời gian thực hiện hợp đồng, quá thời hạn tạm ứng. Trong công tác quản lý dự án đầu tư, hồ sơ dự toán một số gói thầu chi phí khảo sát, hồ sơ dự toán gói thầu thi công xây dựng còn tính sai khối lượng, áp sai đơn giá; công tác thẩm tra, thẩm định chưa phát hiện hết các tồn tại trong hồ sơ; công tác nghiệm thu hiện trường của các đơn vị được giao quản lý, điều hành dự án và đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thiếu chặt chẽ, dẫn đến đề nghị thanh toán sai; điều chỉnh giá gói thầu xây lắp có công trình chưa đúng quy định; chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán một số công trình có khối lượng hoàn thành theo quy định tại một số công trình: Đường Keo Lôm - Sam Măn - Phình Giàng; san ủi mặt bằng Trường Tiểu học Mường Luân, xã Mường Luân; san ủi mặt bằng Trường Tiểu học Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ; công trình Nâng cấp đường giao thông Na Sang - Pá Pan - Tà Té; công trình Nhà văn hóa khu tái định cư bản Huổi Po, xã Keo Lôm và công trình nâng cấp đường Pá Nậm - Háng Pa, xã Chiềng Sơ. Qua thanh tra, kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm qua thanh tra gần 1,3 tỷ đồng.
Cũng qua thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng năm 2019 - 2020 trên địa bàn huyện Điện Biên, tại thời điểm thanh tra, lực lượng chức năng đã xác định địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn huyện chưa đảm bảo tỷ lệ tăng thu hàng năm theo quy định. Việc giao dự toán cho các đơn vị dự toán ngân sách huyện chưa đúng tính chất nguồn kinh phí và nhiệm vụ phát sinh; giao nguồn kinh phí không tự chủ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Chất lượng một số công trình chưa đảm bảo gồm: Công trình sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước tuyến đường giao thông từ quốc lộ 279 đi bản Hua Luống, xã Nà Tấu (nay thuộc TP. Điện Biên Phủ), một số vị trí mặt đường bê tông bị bong mặt tại gói thầu mặt đường từ km0-cọc 38 đến km1+ 606,62m; công trình nâng cấp, mở mới tuyến đường vào Trung tâm huyện Điện Biên, một số vị trí trên tuyến đường bị lún, nứt; công trình xây dựng cơ sở hạ tầng để đấu giá đất đối với các khu đất của trạm bảo vệ thực vật huyện, trạm thú y, cục thuế tỉnh tại huyện Điện Biên, một số vị trí vỉa hè, mặt đường bị lún cục bộ… Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm hơn 1,52 tỷ đồng; giảm trừ thanh toán số tiền sai phạm tại các dự án hơn 161 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2017 - 2021, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 13 cuộc thanh tra, kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực ngân sách Nhà nước và việc thực hiện các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tiến hành 63 cuộc giám sát, khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 - 2021, các cơ quan chức năng thanh tra trên địa bàn tỉnh đã tiến hành 513 cuộc thanh tra liên quan đến THTK, CLP và đã ban hành 503 kết luận thanh tra. Nội dung thanh tra chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Sử dụng kinh phí ngân sách các cấp, các ngành, đơn vị; quản lý và thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; quản lý, sử dụng vốn đầy tư xây dựng cơ bản, đất đai, tài nguyên khoáng sản… Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm hơn 70,7 tỷ đồng và gần 57.000m2 đất (chưa bao gồm thanh tra, kiểm toán Nhà nước). Trong đó, kiến nghị thu hồi hơn 40,4 tỷ đồng và 3.355m2 đất; kiến nghị xử lý khác với số tiền hơn 30,3 tỷ đồng; lập hồ sơ địa chính để đưa vào theo dõi, quản lý 53.579m2 đất nông nghiệp; kiến nghị xử lý hành chính 370 tổ chức và 1.125 cá nhân và đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ với 4 đối tượng.
Các vi phạm chủ yếu về chi sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong chi thường xuyên; thủ tục thanh toán không đảm bảo; quy chế chi tiêu nội bộ chưa đầy đủ, cụ thể. Việc chấp hành trình tự, thủ tục trong việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án thiếu chặt chẽ dẫn đến phê duyệt dự toán thiếu chính xác, sai khối lượng, áp dụng sai định mức, đơn giá vật tư, vật liệu; tính toán xác định các loại thuế, phí chưa đầy đủ, chưa chính xác. Công tác nghiệm thu, giám sát không kiểm tra, đo đếm chặt chẽ dẫn đến quyết toán sai. Một số thủ tục giao đất, cho thuê đất chưa đảm bảo; đăng ký biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa xác minh đầy đủ nguồn gốc đất; việc quản lý đất đai có nguồn gốc từ các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý, thăm dò, cấp phép và tổ chức khai thác đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn chưa chặt…
Để nâng cao công tác THTK, CLP, thời gian tới, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc THTK, CLP đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiêp; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dễ gây thất thoát, lãng phí, như: Lĩnh vực đất đai; dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước; chương trình mục tiêu quốc gia; mua sắm tài sản công… Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định gây lãng phí; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, nhân dân về ý thức tiết kiệm, chống lãng phí.