Vi phạm về quản lý, bảo vệ đê điều chậm được xử lý
Nhiều năm qua, tình trạng vi phạm về đê điều tại các khu vực bãi sông Hồng thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) diễn ra phức tạp, nhưng đến nay vi phạm vẫn chậm được xử lý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, đê điều và phòng chống thiên tai, mà còn thể hiện việc rõ việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Sau cơn bão Yagi, trận lũ lịch sử ở các tỉnh phía bắc đã nhấn chìm nhiều khu vực bãi sông Hồng, tuy nhiên, lũ trên sông Hồng chỉ gây ngập khu vực ngoài đê không thể ngập vào nội đô Hà Nội do có hệ thống đê sông Hồng. Có thể thấy, vai trò to lớn của hệ thống đê sông Hồng tiếp tục được kiểm chứng. Nhưng nhiều năm qua, nhất là tuyến đê qua khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội), những vi phạm về công tác đê điều chưa được các cấp chính quyền địa phương nơi đây tập trung xử lý dứt điểm. Khi đi qua cầu Thanh Trì, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều khu nhà xưởng, sân chơi với diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông ở khu đất ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn phường Thanh Trì. Sự sôi động, tấp nập như ở khu vực sản xuất.
Từ tháng 2/2023, qua công tác tại hiện trường khu vực bờ, bãi sông Hồng, Hạt Quản lý đê Hoàng Mai-Thanh Trì phối hợp Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phát hiện có hành vi san gạt đất màu, gieo hạt, trồng cây và dựng khung sắt tại vị trí tương ứng K73+000 tuyến đê Hữu Hồng, cách chân đê thượng lưu khoảng 555m, cách bờ sông khoảng 25m, thuộc phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Hạt Quản lý đê Hoàng Mai-Thanh Trì đã có văn bản đề nghị UBND phường Thanh Trì kiểm tra, xác định chủ sử dụng đất, đồng thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi san gạt, lắp dựng công trình ở bãi sông Hồng theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, gần hai năm trôi qua, việc kiểm tra xử lý, ngăn chặn vẫn chưa được thực hiện.
Theo tìm hiểu, khu đất này được UBND phường Thanh Trì cho ông Nguyễn Đăng Minh thuê với diện tích 7.644m2 để trồng trọt cây nông nghiệp. Song, ông Minh lại kết hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh xuất nhập khẩu Gia Ân (Công ty Gia Ân) và để Công ty Gia Ân dựng lều lán, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến tháng 6/2023, Hạt Quản lý đê Hoàng Mai-Thanh Trì còn phát hiện Công ty Gia Ân đặt các trò chơi trẻ em, bể bơi thông minh ở trên khu đất. Và dường như để “bài bản” hơn, Công ty Gia Ân còn “vẽ” thành Dự án đầu tư “Khu giới thiệu làng nghề truyền thống kết hợp sinh thái bảo vệ môi trường” tại khu vực đất nêu trên.
Trước vấn đề này, Hạt Quản lý đê Hoàng Mai-Thanh Trì tiếp tục có văn bản gửi UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thanh Trì có biện pháp ngăn chặn việc tổ chức vui chơi, hoạt động giải trí tại đây. Tuy nhiên dù có sự phản ánh liên tục của cơ quản lý nhà nước về đê điều, sự việc cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản kiểm tra. Trong khi đó tại biên bản kiểm tra cũng đã nêu rõ, UBND phường Thanh Trì chủ trì phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc tự khắc phục, sử dụng đúng mục đích đất được giao và nếu không tự khắc phục, UBND phường xử lý theo quy định pháp luật. Song đến nay, mọi hoạt động kinh doanh tại khu đất này vẫn diễn ra sôi động và được liên tục quảng cáo trên mạng xã hội như một điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân.
Ông Đinh Văn Hiếu - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hoàng Mai-Thanh Trì cho biết, qua kiểm tra, rà soát, thống kê hiện trạng công trình, quản lý sử dụng bãi sông tại quận Hoàng Mai, ở phường Thanh Trì có 28 tổ chức, cá nhân; phường Lĩnh Nam, phường Trần Phú có 7 tổ chức, cá nhân đang hoạt động ở bãi sông và phường Yên Sở có 15 tổ chức, cá nhân đang hoạt động ở bãi sông. Các công trình, kho, xưởng, lều lán tạm tại đây đều được dựng, hình thành từ nhiều năm trước. Cho đến nay, việc phối hợp đo vẽ hiện trạng đã xong nhưng chính quyền địa phương các phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở chưa ký biên bản hiện trạng. Đối với phường Thanh Trì còn một số đơn vị chưa ký biên bản hiện trạng đo vẽ.
Có thể thấy, với vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về đê điều, Hạt Quản lý đê Hoàng Mai-Thanh Trì đã làm việc có trách nhiệm, song việc phối hợp xử lý của chính quyền địa phương chưa kịp thời, nhiều nơi còn chưa thực hiện. Điều đáng nói, với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân ngoài bãi sông Hồng đều được chính quyền địa phương hợp thức hóa bằng các hợp đồng giao khoán đất. Nhưng việc kiểm tra mục đích giao đất lại chưa được thực hiện một cách quyết liệt.
Tại Kết luận số 17/KL-UBND ngày 31/8/2023 của UBND quận Hoàng Mai về việc kiểm tra việc sử dụng đất đai đối với 25 đơn vị tại khu vực vùng bãi sông Hồng thuộc phường Thanh Trì, Lĩnh Nam và Yên Sở cho thấy, có 17/25 đơn vị có diện tích công trình tăng so với diện tích được nêu tại kết luận kiểm tra số 519/KL-STNMT-TTr ngày 31/3/2017 của Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội. Bên cạnh đó, cũng tại kết luận này còn chỉ ra việc giao khoán cho thuê đất nhưng nhiều đơn vị không chấp hành nộp tiền thuê đất, tiền chậm nộp và tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Ngoài ra, tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2023 về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 thì các đơn vị đang hoạt động tại đây đều không phù hợp quy hoạch chức năng sử dụng đất trong tương lai.
Để giải quyết thực trạng trên, UBND quận Hoàng Mai đã chỉ đạo, yêu cầu UBND các phường thanh tra làm rõ, đề xuất có biện pháp xử lý nghiêm tập thể và cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm. Chấm dứt các hoạt động đối với việc sử dụng đất không phù hợp quy hoạch của các doanh nghiệp ngoài vùng bãi đến hết ngày 31/12/2024. Các doanh nghiệp tự sắp xếp, thu dọn, tháo dỡ, di chuyển toàn bộ các công trình và vật dụng trên đất để trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương…
Mong rằng, những chỉ đạo này của UBND quận Hoàng Mai sẽ được thực hiện một cách kiên quyết, để phù hợp quy hoạch quy hoạch thoát lũ, bảo đảm an toàn cho tuyến đê sông Hồng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vi-pham-ve-quan-ly-bao-ve-de-dieu-cham-duoc-xu-ly-post846284.html