Vi phạm xây dựng trên mặt đê là vấn đề nhức nhối
Tại phiên họp giải trình về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức, các đại biểu nêu rõ thực trạng tự do chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng và sông Đuống. Một số hộ dân còn xây nhà vi phạm trên mặt đê hoặc giáp bờ sông, dẫn đến mất an toàn trong hành lang thoát lũ.
Thực tế cho thấy, tại khu vực ngoài đê và bãi sông Hồng, sông Đuống, nhiều phương án chuyển đổi mô hình kinh tế đã được các quận, huyện phê duyệt, cho phép đấu thầu thuê đất công, đất nông nghiệp công ích để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, các khu đất này đã chuyển sang mục đích khác như kinh doanh nhà hàng, khu sinh thái, hoặc xây dựng nhà xưởng, kho bãi tạm. Điển hình là Khu ẩm thực ven sông, Me Farm (huyện Thanh Trì), các nhà hàng, khu sinh thái tại Ngõ 143 Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) và khu vực Thạch Cầu (Long Biên).
Qua khảo sát, thành phố còn phát hiện thêm một số tình trạng xây dựng công trình nhà ở ngay trên mặt đê, giáp cơ đê, giáp bờ sông, chẳng hạn như ở thôn Tân Phong 3 (xã Phong Vân, huyện Ba Vì); xã Trung Châu (đường Hữu Trung, huyện Đan Phượng).
Ông Duy Hoàng Dương, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố cho biết trách nhiệm của sở khi để xảy ra tình trạng trên; biện pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tránh phát sinh thêm và đảm bảo không lãng phí tài sản Nhà nước?
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, vi phạm xây dựng trên mặt đê là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, diễn ra ở hầu hết các tuyến đê. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều hộ gia đình sinh sống lâu năm chưa di dời, cộng với việc đê phải sửa chữa nhiều lần. Việc di dời các hộ dân trong khu vực này gặp khó khăn lớn về khối lượng công việc và yêu cầu kinh phí tái định cư cao, đồng thời cần có không gian tái định cư phù hợp.
Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung vào phụ lục 3 danh sách các khu dân cư hiện hữu, đồng thời khoanh vùng những khu vực này để đưa vào quy hoạch chi tiết. Sở cũng đã ban hành hướng dẫn cho các địa phương có khu dân cư hiện hữu trong phụ lục 3, hiện nhận được 7 đơn vị phản hồi, trong đó chỉ có hai quận là Hoàng Mai và Tây Hồ hoàn tất thủ tục thỏa thuận.
Các quận, huyện còn lại dù đã có văn bản làm việc nhưng vẫn còn những vướng mắc trong quá trình giải quyết. Theo đó, tiến độ triển khai dự án chậm lại so với kế hoạch, không phải do thiếu nỗ lực mà chủ yếu là do việc xác định chính xác ô, thửa đất gặp rất nhiều khó khăn và liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Ngoài ra còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm “hành lang thoát lũ” và”không gian thoát lũ”, dẫn đến làm chậm quá trình xác định địa giới, vị trí nào là được phép/trái phép xây dựng.
Về trách nhiệm của các quận, huyện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng trước hết là phải ngăn chặn các vi phạm mới. Sau đó tập trung vào việc quản lý và kiểm soát các trường hợp xây dựng trái phép. Khi có các dự án mở rộng mặt đê, các quận, huyện cần tranh thủ triển khai ngay kế hoạch tái định cư, sớm di dời người dân đến địa điểm phù hợp.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-pham-xay-dung-tren-mat-de-la-van-de-nhuc-nhoi-289513.htm