Vị quan nổi tiếng nào từng ăn nhầm của đút lót là một cái thủ lợn?

Ông vốn là vị quan lớn dưới thời Vua Lê – Chúa Trịnh. Tuy nhiên, một lần vì ăn nhầm của đút lót là thủ lợn, ông đã phải đổi trắng thay đen mà tha chết cho phạm nhân.

1. Ông là ai?

Giang Văn Minh
Phùng Khắc Khoan
Nguyễn Văn Giai
Trần Khắc Chung

Chính xác

Nguyễn Văn Giai là vị quan lớn và nhà thơ nổi tiếng thời Lê Trung hưng. Ông ngay thẳng, cứng rắn nên bọn thân cận với vua Lê hay chúa Trịnh đều ngại tiếng ông. Lần đó, ông xử vị Quận mã là con rể chúa Trịnh Tùng tội chết, nhưng vì lỡ ăn nhầm một cái thủ lợn, ông đã phải tha chết cho y.

2. Phạm nhân mà ông tha chết sau khi ăn nhầm thủ lợn từng mắc tội gì?

Giết người
Đánh giặc thua rồi bỏ chạy
Tham nhũng
Phản quốc

Chính xác

Theo tập ký sự “Tang thương ngẫu lục” của 2 tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết, đầu thời Nguyễn, năm đó có vị Quận mã là con rể chúa Trịnh Tùng đi đánh giặc thua bỏ chạy, bị Nguyễn Văn Giai bắt và khép tội tử tình. Chúa muốn tha nhưng không thể cãi được cái lý của ông.

Người thân vị Quận mã nghe nói Nguyễn Văn Giai rất thích ăn thủ lợn, liền làm một mâm cỗ mang biếu vợ lẽ của ông là bà Ba, nhờ bà nói đỡ chuyện xét xử. Bà Ba đồng ý.

Hôm ấy có lễ Tế giao, ông phải ăn chay túc trực tại đàn mấy ngày liền. Khi về thấy mâm cỗ có thủ lợn, ông ngồi vào ăn ngay. Nửa chừng lòng dạ sinh nghi, Nguyễn Văn Giai tra hỏi bà vợ lẽ thì mới biết sự tình.

Ông giận lắm liền nói: “Lỗi tại ta, chỉ vì một bữa ăn no mà tha chết cho một mạng người, hay là ý trời đã định thế chăng?”. Sau đó ông lên kiệu vào phủ Chúa để xin tha tội cho Quận mã, Chúa Trịnh Tùng vui mừng chuẩn y.

3. Ông được chúa Trịnh yêu quý vì góp công lớn trong việc đánh bại thế lực nào?

Nhà Mạc (Cao Bằng)
Nhà Minh (Trung Quốc)
Chúa Nguyễn (Đàng Trong)
Vua Lê (Đàng Ngoài)

Chính xác

Nguyễn Văn Giai làm quan trong thời điểm chính quyền phong kiến Việt Nam “chia 5 xẻ 7”. Đàng Ngoài có vua Lê – chúa Trịnh nắm giữ Thăng Long, nhà Mạc nắm giữ Cao Bằng, Đàng Trong có chúa Nguyễn.

Nguyễn Văn Giai đã cố gắng thi hành nhiều chính sách giúp ổn định đại cục, mang lại sự bình yên cho dân chúng. Ông được triều đình nhà Lê ghi công trong việc đánh bại nhà Mạc. Vì lập nhiều công lớn, chúa Trịnh Tùng cũng rất ưu ái ông.

4. Trước khi đỗ đạt làm quan, đại thần Nguyễn Văn Giai từng làm nghề gì kiếm sống?

Chài lưới
Thợ săn
Gánh thuê
Tiều phu

Chính xác

Dù xuất thân trong gia đình nhiều đời đỗ đạt, nhưng đến đời cha của Nguyễn Văn Giai lại lâm vào cảnh nghèo khó, bần hàn. Để kiếm tiền theo đuổi đèn sách, đồng thời sẵn có khả năng ăn khỏe, làm khỏe hơn người, Nguyễn Văn Giai hay đi gánh thuê cho thiên hạ. Năm 1580, ông đỗ tiến sĩ dưới thời vua Lê Thế Tông.

5. Cùng đỗ tiến sĩ với Nguyễn Văn Giai năm đó còn có vị quan nổi tiếng nào?

Giang Văn Minh
Phùng Khắc Khoan
Trần Khắc Chung
Nguyễn Hiệu

Chính xác

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cùng năm thi với Nguyễn Văn Giai còn có người nổi tiếng học giỏi khác là Phùng Khắc Khoan, cũng đỗ tiến sĩ. Sau này, ông trở thành người đầu tiên mang hạt giống cây ngô về Việt Nam nhờ một lần đi sứ Trung Quốc. Nhân dân yêu quý gọi ông là Trạng Bùng vì ông sinh ra ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-quan-noi-tieng-nao-tung-an-nham-cua-dut-lot-la-mot-cai-thu-lon-2109317.html