Vì sao 1 kiện hàng từ TQ về VN chỉ 17 ngàn, trong nước trên 30 ngàn?
Ở Trung Quốc có hệ thống cơ sở hạ tầng cho logistic rất lớn, đặc biệt là e-logistics. Chính vì sự liên kết và có một liên minh công nghệ trong ngành đã cho phép họ vận chuyển nhanh chóng và tối ưu dù trong hay ngoài nước.
Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, theo số liệu từ RedSheer Strategy Consultants, đến năm 2023 tổng lượng bưu kiện trên thị trường giao nhận dự kiến đạt 156 triệu kiện/tháng.
Riêng tại Việt Nam, TMĐT đang được đánh giá xếp thứ 2 toàn khu vực Đông Nam Á. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics (dịch vụ hậu cần TMĐT) trong nước sẽ ngày càng sôi nổi. Từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải cạnh tranh nhiều hơn, ứng dụng công nghệ, chiến lược dịch vụ chăm sóc khách hàng và phát triển hệ sinh thái.
Nhiều đơn vị tăng đầu tư Logictics cho TMĐT
Trên thực tế hiện nay, e-logistics không chỉ còn là sân chơi của các đơn vị giao hàng như VNPost, ViettelPost, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm... mà còn là sân chơi của chính các DN TMĐT.
Ông Đặng Anh Dũng nhìn nhận đối với TMĐT, ngoài chiến lược về giá, chất lượng hàng hóa thì việc vận hành toàn bộ hành trình của một gói hàng sẽ giúp DN chủ động trong kinh doanh và tiết kiệm nhiều thời gian lẫn chi phí giao hàng.
Chính vì thế, dù hợp tác với nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau nhưng từ 2015 đơn vị này đã có trung tâm phân loại hàng hóa, và được nâng cấp lên thành trung tâm phân loại tự động vào 2017.
Tới tháng 3-2023 vừa qua, đơn vị này chính thức vận hành trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có tổng diện tích lên tới 20.000 m2 tại Bình Dương. Đặc biệt, trung tâm này được tích hợp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learing (học máy) và tự động hóa lên đến 99%, giúp tối ưu hiệu suất lên tới 1 triệu đơn hàng mỗi ngày và giảm nguồn lực vận hành cho DN.
Với trung tâm phân loại này ông Dũng kỳ vọng sẽ trở thành đơn vị vận chuyển đa ngành, không chỉ phục vụ cho sàn TMĐT Lazada mà còn cả các đơn vị kinh doanh online khác.
"Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc tối ưu hóa vận hành bởi sở hữu toàn bộ dữ liệu từ đầu đến cuối"- ông Dũng nói.
Ngay cả sàn TMĐT Tiki cũng đang mạnh tay phát triển TikiNOW Smart Logistics (TNSL), giải pháp kho vận thông minh không chỉ phục vụ cho nhà bán trên sàn mà còn mở cho nhà bán ngoại sàn. Đây cũng chính là mảng "cứu rỗi" doanh thu của Tiki hiện nay, với mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cao cấp giải pháp chuỗi cung ứng của Tiki tự tin cho rằng với việc áp dụng công nghệ cao, sử dụng robot trong nhà kho... "TNSL đã giải quyết được những bài toán khó nhất như giao nhanh 2 giờ, giao hàng tươi sống lẫn việc giao và lắp đặt theo yêu cầu khách hàng. Đồng thời tiết kiệm và giảm chi phí cho nhà bán đến 30-40%", ông Thọ cho biết.
Cùng với dịch vụ giao vận, ông Aric Austin, Giám đốc điều hành MyStorage - một trong những đơn vị vận hành kho mini đầu tiên ở TP.HCM nhận thấy, sự bùng nổ của thị trường TMĐT đã làm gia tăng lực lượng DN bán lẻ trực tuyến. Đặc biệt là ở quy mô vừa và nhỏ, song song đó là nhu cầu thuê kho bãi tăng lên. Ông cho rằng, đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp logistics nói chung và kho mini, kho tự quản nói riêng.
Ông Austin cho biết, nhu cầu thuê kho bãi hiện nay rất cao. Bằng chứng, tăng trưởng doanh thu toàn hệ thống trong những năm qua luôn ở mức cao, khoảng 50-80%/năm, kể cả thời kỳ giãn cách xã hội.
"Trong 2023, chúng tôi dự kiến sẽ nhân đôi kho tự quản từ 117 lên 250 kho đủ kích cỡ và mở rộng đến các thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ"- Aric Austin tiết lộ.
Chi phí giao hàng Việt vẫn ở mức cao
Ông Eric Liang, Phó Tổng giám đốc BEST Global- đơn vị chuyển phát nhanh nhìn nhận, năm 2022, tổng GDP ngành chuyển phát nhanh Việt Nam chỉ chiếm 0,52% toàn quốc. Con số này chứng tỏ tiềm năng phát triển của ngành này ở thị trường nội địa còn nhiều dư địa phát triển.
Dẫu vậy, hầu hết các DN tham gia lĩnh vực này đều phải thừa nhận chi phí logistics tại Việt Nam vẫn còn khá cao.
Ông Đặng Anh Dũng ước tính, chi phí logistics ở Việt Nam dường như gấp đôi đến gấp 3 lần các nước trong khu vực và chiếm đến 20% tổng chi phí vận hành cả các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Đức, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng đồng tình khi cho biết mặc dù chi phí giao vận tại Việt Nam đã giảm rất nhiều so với thời điểm trước, song vẫn cao hơn so với khu vực, nhất là Trung Quốc.
“Nhiều người chắc chắn sẽ đặt câu hỏi vì sao một kiện hàng từ Trung Quốc về Việt Nam khi mua trên sàn TMĐT chỉ tốn 17 ngàn, mà trong nước lại không dưới 30 ngàn đồng thì đó là do cơ sở hạ tầng và cách họ quản trị đơn hàng”- ông Đức nói.
Ông lý giải, ở Trung Quốc có hệ thống cơ sở hạ tầng cho logistic rất lớn, đặc biệt là e-logistics. Chính vì sự liên kết và có một liên minh công nghệ trong ngành đã cho phép họ vận chuyển nhanh chóng và tối ưu dù trong hay ngoài nước.
“Chưa kể tại quốc gia này, thông thường các đơn hàng thường là mua sỉ, trong khi đó Việt Nam là mua nhỏ lẻ, ghép đơn. Các bạn cứ tính chi phí mua sỉ và lẻ sẽ ra vấn đề”-ông Đức nói.
Đánh giá tổng quan, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, cho rằng logistics cho TMĐT ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu, tức giai đoạn chuyển tiếp từ logistics truyền thống sang TMĐT.
"Tôi cho rằng để e-logistics phát triển hơn nữa sẽ cần sự chung tay của nhiều bên để cùng số hóa các khâu vận hành, ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong xử lí đơn hàng và hơn hết là phát triển nhân lực con người để quản trị hệ thống được tốt hơn. Thêm vào đó, trong thời gian tới E-logistics còn rất nhiều việc phải làm, như hướng đến những kiện hàng kích thước lớn hơn, cồng kềnh hơn, cũng như tự động hóa ở nhiều khâu hơn"- ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Chí Đức, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Việt Nam:
Phát triển logistics cần thêm nhiều động lực
Hiện nay để giảm chi phí giao hàng nói chung thì cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước như chi phí cầu đường, bến bãi…
Đơn cử đối với kho bãi hầu hết các DN phải thuê kho bãi ở những vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, dẫn tới chi phí giao hàng tận tay tới khách cũng từ đó mà tăng lên.
Hay vấn đề cầu đường, nếu như cùng một trọng tải của xe, thế giới cho chở 35-40 tấn, trong khi đó nước ta chỉ cho chở 25 tấn bởi lý do cầu yếu, đường yếu... Nếu không phát triển giao thông một cách đồng bộ thì logistics có hiện đại cỡ nào cũng khó bì kịp thế giới. Thêm vào đó các DN cần tự số hóa dịch vụ của mình để tăng độ chính xác trong khâu chia chọn cũng như giao vận.