Vì sao 194 công nhân ở Sơn La bị chấm dứt hợp đồng lao động?
194 công nhân thuộc Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La đã có đơn kiến nghị về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mặc dù họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nguyên nhân vì sao các công nhân này bị chấm dứt hợp đồng lao động?
Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La (Công ty) có địa chỉ tại tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tiền thân của Công ty là Nông trường Tô Hiệu, thành lập từ năm 1958. Sau nhiều lần chuyển đổi, đến tháng 2/2019, thay đổi với tên Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La và hiện đang hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
Trong nhiều năm qua, đa số các lao động đều đã ký hợp đồng giao khoán với Công ty theo Nghị định số 01-CP ngày 4/1/1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.
Theo điểm c, khoản 1, Điều 7 của Nghị định 01 và điểm f , khoản 1, Điều 9 của Nghị định 135 quy định nghĩa vụ của bên giao khoán phải thực hiện nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho lao động nhận khoán. Đồng thời, tại khoản 2, Điều 8 Nghị định 135 cũng quy định: “Trường hợp bên nhận khoán là cán bộ, công nhân viên thì tiền lương được hưởng từ sản xuất thông qua nhận khoán và phải thực hiện đầy đủ các chế độ quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và được ghi thành khoản chi phí sản xuất trong hợp đồng khoán”.
Đến ngày 27/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 01, Nghị định 135 và có hiệu lực từ ngày 15/2/2017 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.
Khi Nghị định 168 có hiệu lực đã không còn quy định nghĩa vụ bên giao khoán (người sử dụng lao động) phải tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động nhận khoán nữa. Nếu các lao động nhận khoán không phát sinh hợp đồng lao động thì bên giao khoán không phải nộp BHXH cho người lao động nhận khoán như trước đây nữa.
Ông Nguyễn Cao Thịnh, Phó Giám đốc Công ty, cho biết, giữa Công ty và các công nhân đã phát sinh thêm một hợp đồng lao động song hành với hợp đồng giao khoán. Mục đích của hợp đồng lao động là để bảo đảm quyền lợi cho người lao động để họ được tham gia đóng BHXH.
Thực tế nhiều năm qua, Công ty và người lao động nhận khoán lại không thực hiện các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết, đã không quản lý được người lao động. Thậm chí qua rà soát có nhiều lao động không có mặt tại địa bàn, nhiều hợp đồng giao khoán đất giữa Công ty với người lao động đã được người lao động cho mượn hoặc cho người khác thuê thầu lại. Không chỉ vậy, còn có những lao động không có mặt ở địa bàn vì đang phải cách ly y tế do dịch Covid-19 ở địa phương khác...
Ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, cho biết, qua rà soát, kiểm tra, ngày 1/2/2021, BHXH tỉnh Sơn La đã có Kết luận số 157/KL-BHXH về việc thanh tra liên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách tại Công ty.
Theo đó, ngành cũng đã yêu cầu đơn vị thực hiện nhiều nội dung, trong đó có việc yêu cầu Công ty lập hồ sơ báo giảm những lao động là hợp đồng khoán sản phẩm không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Bởi thực tế đã có hợp đồng lao động ký kết nhưng các bên đang không thực hiện đúng theo quy định, không quản lý được người lao động, không thực hiện chấm công và không trả lương hằng tháng cho người lao động.
Trên thực tế, việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La với 194 lao động thì hoạt động lao động, sản xuất theo hợp đồng giao khoán không có gì thay đổi. Câu chuyện thay đổi ở đây là các công nhân sẽ phải chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang đóng BHXH tự nguyện hoặc tham gia BHYT hộ gia đình. Khi công nhân tham tham gia BHXH tự nguyện sẽ không được hưởng các chế độ liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn theo quy định và các chế độ lễ, Tết như trước đây từ phía Công ty...
Trước sự việc trên, thực hiện Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 1/4/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc thành lập Tổ công tác giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiến nghị của người lao động tại Công ty. Sau khi làm việc với Công ty, Tổ công tác 605 đã kiến nghị và đề xuất các nội dung liên quan với tỉnh, trong đó có nội dung đề nghị Công ty thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, quan điểm của tỉnh là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát toàn bộ hoạt động và phương án sản xuất của Công ty bảo đảm theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và khắc phục các hạn chế mà kết luận Thanh tra BHXH tỉnh đã chỉ rõ.
Đồng thời, các ngành cần nghiên cứu văn bản chỉ đạo, các kết luận thanh tra và đề xuất của các sở, ngành để hỗ trợ Công ty thực hiện bảo đảm các quy định Nhà nước về sản xuất, kinh doanh, Luật bảo hiểm...
Cùng với các nội dung đã giao cho các sở, ngành của Sơn La xem xét giải quyết, tỉnh Sơn La cũng đã giao cho Cục Thuế tỉnh phối hợp BHXH tỉnh cử công chức tham gia Tổ công tác 605 để hỗ trợ Công ty giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan thủ tục về báo cáo tài chính, phương án sản xuất để Công ty duy trì được hoạt động, người lao động vẫn tiếp tục được tham gia đóng BHXH bảo đảm đúng tiến độ được giao.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối của Tổ công tác 605 đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị đúng tiến độ được giao. Sau ngày 30/10, nếu các đơn vị chưa hoàn thành, yêu cầu đề xuất phương án thanh tra toàn diện các nội dung để giải quyết triệt để nhằm tháo gỡ vướng mắc cho Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La.