Vì sao 6G không còn là 'giấc mơ hão huyền''?
Để 'giấc mơ 6G' thành hiện thực sớm nhất có thể, ngay từ bây giờ cần bắt đầu vạch ra những bước đi vững chắc với tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Theo dự đoán, sớm nhất vào năm 2030, 6G mới được đưa vào khai thác thương mại, nhưng hiện tại chúng ta đã nghe rất nhiều về nó. Thế hệ công nghệ không dây tiếp theo này được kỳ vọng mang lại tốc độ nhanh, độ trễ thấp và nhiều băng thông hơn để cung cấp nhanh chóng lượng lớn dữ liệu trên các mạng thông minh và lưu trữ phi tập trung. Điều này làm tăng đáng kể năng suất và thúc đẩy các cơ hội mới trong tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối vạn vật (IoT).
Chúng ta có thể mong đợi công nghệ 6G sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp như cách 4G vào năm 2009 đã hỗ trợ Instagram, Uber, DoorDash, Venmo và nhiều công ty khác. 6G sẽ trở thành một phần cơ bản trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày từ giáo dục, y tế, ngân hàng, đến mua sắm... cũng như tăng cường ứng phó với các tình huống khẩn cấp và thiên tai, đồng thời ứng dụng trong nghiên cứu khoa học.
Tất cả những điều trên nghe rất hấp dẫn nhưng còn một chặng đường dài trước khi 6G trở thành hiện thực. Để 6G không còn là “giấc mơ hão huyền”, theo ông Ron Nersesian, CEO hãng công nghệ Keysight, phải tập trung vào 5 điều dưới đây.
Đẩy mạnh tích hợp liền mạch hệ thống mạng
6G yêu cầu những đổi mới lớn về kết nối không dây, mạng hỗ trợ AI, công nghệ thiết bị và mạch cũng như điện toán phân tán thông minh. Mặc dù hiện tại 5G đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, sự tích hợp liền mạch của tất cả các mạng không dây (từ Bluetooth đến 5G), mạng có dây (từ LAN đến WAN) và thậm chí cả mạng không gian (non-terrestrial network) vẫn rất khó nắm bắt. 6G yêu cầu công nghệ vô tuyến thế hệ mới sử dụng liền mạch các hệ thống này linh hoạt theo vị trí và nhu cầu.
Mặc dù AI đã được sử dụng trong một loạt ứng dụng công nghiệp ngày nay, chúng ta cần đưa AI trở thành một phần không thể thiếu của kiến trúc mạng 6G nhằm tối ưu hóa hiệu suất, hiệu quả và tính linh hoạt. Cuối cùng, sự đổi mới liên tục trong IoT, băng thông rộng di động và truyền thông độ tin cậy cao là những yếu tố quan trọng khác để xây dựng nền tảng cho 6G.
Tạo các tiêu chuẩn công nghiệp toàn cầu
Ngoài việc tập trung phát triển và nâng cao các tiêu chuẩn 5G, chúng ta cần xây dựng các nền tảng và khuôn khổ cho thế hệ tiếp theo. Còn quá sớm để có kế hoạch chi tiết cụ thể, nhưng về cơ bản phải có chiến lược khái quát cho cả quá trình phát triển. Hướng tới xây dựng một tiêu chuẩn toàn cầu duy nhất áp dụng cho tất cả các ngành và khu vực địa lý sẽ đảm bảo tính nhất quán và quy mô kinh tế trong triển khai 6G.
Các dự án, thử nghiệm và trình diễn công nghệ về sự phát triển các tiêu chuẩn 5G đóng vai trò làm tiền đề để dự đoán nhu cầu của 6G. Các sáng kiến đổi mới như chương trình “6G Flagship” - một hệ sinh thái đồng sáng tạo và nghiên cứu toàn cầu để áp dụng 5G và xây dựng 6G, đang tập hợp các bên liên quan trong ngành nhằm phát triển các công nghệ cơ bản cần thiết cho 6G. Những hợp tác quốc tế này sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng địa chính trị, đảm bảo rằng 6G có thể tiếp cận được với mọi người.
Chủ động quản trị rủi ro an ninh mạng
Mỗi thế hệ di động không dây mới phải giải quyết thách thức an ninh mạng gấp hai lần bao gồm khắc phục hệ quả các lỗ hổng của thế hệ trước và giải quyết những lỗ hổng mới của thế hệ sau.
6G là một tập hợp các mô hình sử dụng phức tạp hơn 5G vì thế kéo theo nhiều mối đe dọa bằng phần mềm hơn. Khi IoT phát triển, hàng tỷ thiết bị được kết nối mạng sẽ là một nguy cơ tiềm ẩn cho những hành vi tấn công mạng.
Tất cả các bên tham gia vào quá trình phát triển 6G, từ các nhà mạng di động đến nhà cung cấp, từ khách hàng cho đến các nhà phát triển ứng dụng OTT cần áp dụng một số tiêu chuẩn bảo mật mới, tham gia vào các quá trình thử nghiệm và đào tạo để thực hiện bảo mật mạng ở mọi cấp độ.
Các mô hình chuẩn mạnh (robust standard), bảo mật mạng, các giải pháp kiểm tra và khả năng hiển thị mạng sẽ giúp loại bỏ rủi ro trong quá trình phát triển 6G và vận hành trên toàn hệ sinh thái.
Theo ông Ron Nersesian - CEO công ty sản xuất phần mềm Keysight Technologies, chúng ta có trách nhiệm tích hợp an ninh mạng vào vòng đời phát triển và kiến trúc phần mềm để giúp xác định các lỗ hổng và giúp hệ thống mạng nhanh chóng phục hồi nếu bị tấn công.
Hoạch định chính sách
Các nhà hoạch định chính sách cần hợp tác với các vị lãnh đạo trong ngành tạo ra các nền tảng thúc đẩy ngành công nghiệp và bảo vệ người dùng, cũng như dữ liệu của họ trên các ứng dụng quan trọng trong những lĩnh vực như xe tự lái, chăm sóc sức khỏe, quân sự, thành phố thông minh...
Khoảng cách về xã hội, giáo dục,kinh tế giữa những người có điều kiện truy cập Internet và không có ngày càng lớn. Sáng kiến nghiên cứu 6G Hexa-X của Châu Âu được đưa ra nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đó, nhưng để nó có thể tiếp cận được với các khu vực nông thôn hoặc những người thu nhập thấp đòi hỏi một hệ thống hợp tác công tư.
Trao quyền cho thế hệ tiếp theo
Muốn biến 6G thành hiện thực, chúng ta cần đào tạo thế hệ tiếp theo của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà vật lý và kỹ sư. Kỹ thuật điện, kỹ thuật số tới vô tuyến, chất bán dẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.
Họ cần một nền giáo dục tổng thể, đa ngành để bước vào con đường công nghệ chuyên sâu. Các công ty và tổ chức giáo dục nên hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách về kỹ năng bằng cách tăng cường các chương trình dạy STEM - hệ thống môn học trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, cũng như nêu bật cơ hội độc đáo và bổ ích của nó, góp phần xây dựng tương lai của công nghệ không dây.
Hương Dung(Theo Forbes)