Vì sao 8 con hổ công an thu giữ từ nhà dân bị chết?
Sau khi đưa về một khu sinh thái, 8/17 con hổ được 'giải cứu' từ hai hộ gia đình nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An đã chết.
Video: Công an Nghệ An phát hiện, giải cứu 17 con hổ bị nuôi nhốt trái phép trong nhà dân. (Nguồn video: Công an Nghệ An)
Tối 6/8, trả lời VTC News, ông Đặng Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đến 18h hôm nay, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được báo cáo về nguyên nhân 8 con hổ Đông Dương bị chết sau khi được giải cứu ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Hiện 8 con hổ bị chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến 8 con hổ chết hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Một số thông tin cho rằng có thể do gây mê kéo dài, thời tiết nắng nóng, quá trình bắt giữ, đưa ra khỏi hầm gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng sức khỏe của hổ, hổ nuôi có sức khỏe yếu…
Khoảng 7h sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất và phát hiện nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Tại nhà bà Hồ Thị Thanh (SN 1990) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang gia đình ông Hiền đang nuôi nhốt 14 con hổ Đông Dương trưởng thành.
Cùng thời gian trên, lực lượng công an cũng bắt quả tang tại tầng hầm nhà bà Nguyễn Thị Định (SN 1971) ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, Yên Thành đang nuôi nhốt 3 con hổ Đông Dương.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, để tránh không bị phát hiện, chúng vận chuyển những con hổ này từ Lào về khi còn nhỏ. Sau đó, xây dựng các hệ thống tầng hầm kín ngay trong khuôn viên, trung bình mỗi hầm có diện tích từ 80m2 đến 120m2 để nuôi nhốt. Tại thời điểm bắt giữ, mỗi con hổ có trọng lượng từ 200kg đến 265kg.
Hiện công an đang tạm giữ 2 chủ cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép là bà Hồ Thị Thanh và bà Nguyễn Thị Định để điều tra làm rõ.
Điều 14, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về thủ tục cứu hộ đối với loài hổ quy định: Các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên. Sau khi tịch thu, nếu động vật còn khỏe mạnh, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh xem xét quyết định thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp.
Trường hợp không đảm bảo điều kiện để thả lại nơi sinh sống tự nhiên do bị thương, bị bệnh thì đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng. Cơ sở cứu hộ khi nhận được thông báo phải cứu hộ kịp thời, lập hồ sơ theo dõi đối với từng cá thể loài được cứu hộ và thông báo cho cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh.
Sau khi cá thể loài được cứu hộ đã phục hồi, cơ sở cứu hộ phải báo cáo cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh. Sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thả lại nơi sinh sống tự nhiên của loài hoặc chuyển tới cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp. Trường hợp cá thể loài cứu hộ bị chết trong quá trình cứu hộ, cơ sở cứu hộ phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh xem xét hoặc chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ….
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-8-con-ho-cong-an-thu-giu-tu-nha-dan-bi-chet-ar629291.html