Công ty lọc dầu lớn nhất Ấn Độ đang phải chuyển sang phương án mua dầu của Nga theo điều khoản được Moskva đề xuất, trong đó bao gồm việc thanh toán bằng đồng rúp.
Cụ thể, Công ty Reliance Industries của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận tương ứng với Rosneft. Dựa trên hợp đồng, họ sẵn sàng mua ít nhất 3 triệu thùng dầu thô từ Nga mỗi tháng.
Các bên liên quan cho biết, việc cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu lớn nhất Ấn Độ sẽ được thực hiện với mức chiết khấu nhất định vào khoảng 3 USD mỗi thùng.
Cơ quan phương Tây cho rằng trong trường hợp này, Nga sẽ có lợi ích kép: không chỉ đa dạng hóa nguồn cung dầu cho thị trường thế giới mà còn nhận được đồng rúp cho các thùng dầu được giao, điều này sẽ góp phần tăng cường sức mạnh cho họ.
Ngoài ra đây là một bước đi bổ sung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, vốn cách đây vài năm còn là đồng tiền chủ lực trong giao dịch trên thị trường dầu khí toàn cầu.
Trước đó, Nga và Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn trong đàm phán về việc chuyển sang thanh toán hàng hóa bằng tiền tệ quốc gia, đặc biệt Moskva không muốn nhận đồng rupee Ấn Độ vì có giá trị chuyển đổi quá thấp.
Nguyên nhân chủ đạo đến từ việc Nga không biết làm cách nào xử lý số tiền rupee khổng lồ mà Ấn Độ đã trả cho các lô dầu thô trước kia.
Theo nhiều chuyên gia, việc Ấn Độ chấp thuận điều khoản của Nga bắt nguồn từ dự báo họ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong 14 năm. Tình hình có liên quan trực tiếp đến sự gián đoạn trong việc nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Nga.
Sự việc bắt nguồn từ nỗ lực tuân thủ các biện pháp trừng phạt và gây áp lực bằng cách ép giá nguyên liệu thô từ Nga thông qua các khoản chiết khấu lớn. Như tờ Oilprice viết, tình hình trở nên trầm trọng hơn do sản lượng thủy điện giảm.
Với dự báo cho thấy sẽ thiếu hụt 14 GW chỉ sau một đêm, ngành điện lực Ấn Độ đang phải đối mặt với thách thức lớn, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng mất điện sẽ xảy ra trên diện rộng giữa nắng nóng đỉnh điểm.
Sự thiếu hụt sắp xảy ra còn được cộng thêm bởi chậm trễ trong việc vận hành nhà máy nhiệt điện than mới có công suất 3,6 GW, dự kiến ban đầu sẽ đi vào hoạt động từ tháng 3/2024.
Tình hình hiện tại nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của việc giải quyết cả những hạn chế về phía cung và phía cầu, để đảm bảo sự ổn định của lưới điện tại quốc gia Nam Á này.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình, Bộ trưởng Năng lượng R.K. Singh đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để đánh giá cuộc khủng hoảng và thực hiện các bước đi nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Những biện pháp được đưa ra bao gồm hoãn bảo trì nhà máy theo lịch trình vào tháng 6 và kích hoạt lại 5 GW công suất đốt than nhàn rỗi để tăng sản lượng phát điện tổng thể.
Trên bình diện địa chính trị vào tháng 2 và tháng 3 năm nay, Ấn Độ đã mất một khối lượng đáng kể nguyên liệu thô từ Nga, một số trong số đó, sau khi chế biến, có thể được gửi dưới dạng dầu nhiên liệu cho các nhà máy điện (thay vì than gây ô nhiễm cao).
Trong bối cảnh trên, những tuyên bố của New Delhi về việc tuân thủ chương trình nghị sự về môi trường đã trở nên "bớt cấp tiến" đi rất nhiều. Tuy nhiên ý định tuân thủ các biện pháp trừng phạt đã tước đi nhiều cơ hội của đất nước này.
Việc chấp thuận trả tiền các lô dầu thô từ Nga bằng đồng rúp có thể sẽ giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng trước mắt, nhưng về lâu dài hai nước sẽ cần giải pháp vững chắc hơn.