Vì sao Anh trai cháy vé 'nhanh chóng mặt' ở Hà Nội?
Anh trai 'say hi' là game show âm nhạc đầu tiên có tới 4 concert được tổ chức. Theo chuyên gia, sức nóng của chương trình này và Anh trai vượt ngàn chông gai là hiếm có trong Vpop.
“Lần đầu tiên trong lịch sử đu thần tượng của tôi được chứng kiến show sống còn tổ chức tới 4 đêm nhạc. Và cũng lần đầu tiên chứng kiến tổ chức concert vào thứ 2” là bình luận của một khán giả ngay sau khi ê-kíp sản xuất thông báo mở thêm concert thứ 4 cho Anh trai “say hi”.
Concert này diễn ra tối 9/2, cũng tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), tức chỉ 2 ngày sau đêm concert thứ 3. Lý giải cho một kế hoạch có phần bất ngờ, chớp nhoáng này, ê-kíp sản xuất cho biết: “Sức chứa của đêm 7/12 đã không đáp ứng đủ sự yêu mến của quý khán giả” và “có hơn 200.000 lượt chờ mua vé, hàng triệu thảo luận về chủ đề tìm kiếm vé và liên tục những thông điệp gửi đến chương trình trong thời gian qua”.
Sức hút chưa từng có
Trước đêm diễn thứ 3, chương trình này đã tổ chức thành công 2 concert tại TP.HCM. Cả 2 đêm đều có sức chứa lên tới 15.000-25.000 khán giả. Với concert thứ 3, ê-kíp sản xuất quyết định tổ chức tại sân Mỹ Đình, nơi có sức chứa lớn nhất trong các địa điểm tổ chức sự kiện ngoài trời của Hà Nội. Sân Mỹ Đình có sức chứa lên tới 40.000 nhưng theo ê-kíp sản xuất thì bằng đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu khán giả. Suốt những ngày qua, tình trạng săn vé Anh trai “say hi” diễn ra sôi nổi trên các hội nhóm có hàng chục nghìn thành viên. Những chiếc vé được đẩy giá lên cao vẫn nhanh chóng có người mua. Dữ liệu nói trên đủ chứng minh sức hút của concert này.
Theo thông tin vừa được tung ra, sơ đồ khu vực sân khấu với mức giá của đêm thứ 4 không thay đổi so với đêm thứ 3. Mức giá vẫn dao động từ 500.000 tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, quyền lợi của một số hạng vé như Premier Lounge (giá 10 triệu đồng), SVIP (4 triệu đồng)… có sự thay đổi. Bất chấp việc quyền lợi không còn hấp dẫn như ngày 3, nhiều khán giả ngay lúc này đã chuẩn bị tinh thần săn vé ngay khi hệ thống mở vào sáng 28/11.
Cùng lúc ấy, concert Anh trai vượt ngàn chông gai cũng đang rơi vào tình trạng cháy vé. Tuấn Hưng chia sẻ với Tri Thức – Znews, hàng trăm người nhắn tin nhờ anh mua vé nhưng nam ca sĩ căng thẳng vì không thể giúp đỡ bạn bè, khán giả. Vé dự concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tối 14/11 tại Hưng Yên quá khan hiếm nên mức giá bị đẩy lên gấp 2-3, thậm chí 4-5 lần so với giá gốc.
Thời điểm mở bán, hệ thống đã bị sập vì quá đông người truy cập. 30 phút sau khi mở bán, lượng khán giả chờ lên tới hơn 150.000 người. Trong concert đầu tiên diễn ra tại TP.HCM, ê-kíp đã tẩu tán 20.000 vé chỉ trong thời gian rất ngắn.
Lý do 2 concert cháy vé
Có thể nói sức nóng của 2 concert là điều hiếm có tại Vpop một thập kỷ qua. Và cũng chưa khi nào có tới hai concert quy mô khoảng 20.000 khán giả cùng diễn ra trong thời gian ngắn mà vẫn cháy vé như vậy. Độ săn vé của concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi” thậm chí lớn hơn cả show diễn BlackPink ở Hà Nội năm ngoái. Việc 2 đêm diễn cháy vé có thể đến từ nhiều lý do khác nhau, đầu tiên là sức nóng từ game show, tiếp đó là dàn ca sĩ tham gia mỗi concert đều đông đảo, nổi tiếng.
Đặc biệt, sự đối đầu trực tiếp của Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi” trong suốt nhiều tháng qua tăng độ thảo luận, tương tác, thậm chí vô tình kéo theo sự cạnh tranh của fan 2 bên. Cuối cùng, việc 2 chương trình đã có concert quá bùng nổ, thành công ở TP.HCM khiến khán giả miền Bắc càng tin tưởng, hào hứng để sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn và mua vé. Tất cả yếu tố trên giúp 2 concert không chỉ thu hút lượng fan sẵn có mà cả những khán giả trung lập. Hiệu ứng truyền miệng khiến nhiều người tò mò về việc 2 concert này hay, hấp dẫn đến đâu.
Tình huống này khá giống concert BlackPink hồi tháng 7/2023. Sau khi BlackPink có đêm đầu tiên tại sân Mỹ Đình làm bùng nổ truyền thông với hàng nghìn bình luận khen ngợi trên mạng xã hội, khán giả lúc này mới đổ xô săn vé, chấp nhận trả gấp rưỡi, gấp đôi để được trực tiếp tận hưởng sự hứng khởi mà nhiều người chia sẻ sau đêm đầu.
Theo ông Hồng Quang Minh, Founder tại công ty truyền thông, London & Hong, thành công của hai concert ở Hà Nội không đến từ sự may mắn mà là kết quả của một chiến lược xây dựng hình ảnh và nội dung bài bản, chạm đúng vào tâm lý khán giả. Đầu tiên, cả hai chương trình đều được phát triển từ những show truyền hình thành công trước đó, vốn đã tạo dựng một lượng fan đông đảo. Khi chuyển hóa từ truyền hình sang mô hình concert, chúng mang theo sức hút sẵn có đồng thời bổ sung thêm yếu tố tương tác trực tiếp, khiến trải nghiệm khán giả trở nên mới mẻ và đặc biệt hơn.
Bên cạnh đó, cách các nghệ sĩ tham gia được định hình cũng đóng vai trò quan trọng. Họ không chỉ là ca sĩ, diễn viên mà còn là "những người anh trai" - một hình tượng thân thuộc với khán giả Việt. Đây là một cách kể chuyện thương hiệu rất khéo, giúp khán giả cảm thấy mình không chỉ đi xem một buổi biểu diễn mà còn tham gia vào hành trình chia sẻ, đồng cảm. Cộng thêm việc tổ chức tại Hà Nội, nơi luôn dành sự trân trọng cao cho các chương trình âm nhạc chất lượng, hai concert này gần như chắc chắn thành công.
“Quan trọng hơn, tôi tin rằng chính sự đầu tư nghiêm túc về âm nhạc, sân khấu, và trải nghiệm tổng thể là yếu tố quyết định. Không chỉ đơn thuần hát lại các ca khúc trong chương trình truyền hình, nghệ sĩ tái hiện các tiết mục với dàn dựng hoàn toàn mới. Điều đó làm hài lòng người hâm mộ trung thành và còn thu hút cả những khán giả mới.
Hai concert này thực sự đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất lớn, khẳng định sức mạnh của mô hình chuyển thể từ truyền hình sang concert và góp phần thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc của khán giả Việt Nam.
“Tôi nhận thấy thành công này đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng: khán giả Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền cho những sản phẩm chất lượng. Điều này tạo ra áp lực tích cực, buộc nghệ sĩ và các nhà tổ chức sự kiện phải nâng cao chất lượng sản phẩm, từ nội dung âm nhạc, dàn dựng sân khấu đến trải nghiệm khán giả. Khi khán giả đã quen với việc đòi hỏi cao hơn, họ sẽ không dễ dàng thỏa mãn với những chương trình làm qua loa hay thiếu sáng tạo”, ông cho biết.
Hơn nữa, thành công này còn mở đường cho các nghệ sĩ khác trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân và phát triển show diễn độc lập. Nó chứng minh nếu bạn có câu chuyện rõ ràng và cách kết nối khán giả đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể tổ chức những concert thành công ngay tại thị trường nội địa. Cuối cùng, hai concert này giúp khán giả Việt hiểu âm nhạc không chỉ để nghe mà còn trải nghiệm.
Sự kết hợp giữa nội dung truyền hình và concert trực tiếp đã tạo nên hệ sinh thái âm nhạc đầy tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn cho thị trường trong tương lai.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-anh-trai-chay-ve-nhanh-chong-mat-o-ha-noi-post1514186.html