Vì sao bác sĩ trẻ không muốn về tuyến y tế cơ sở làm việc?
Tốt nghiệp ra trường, nhiều bác sĩ trẻ quyết định làm việc ở thành phố thay vì về tuyến cơ sở công tác, lý do chính là lương thấp, môi trường, cơ hội phát triển.
Bác sĩ rời quê lên thành phố
8h sáng, sau khi cùng ê kíp tham gia quy trình chọc hút trứng (một công đoạn của việc thụ tinh trong ống nghiệm – IVF) cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1996, quê Nam Định) di chuyển xuống khu vực khám bệnh để tư vấn cho người bệnh ngoại trú. Công việc này gắn bó với Hà suốt 3 năm nay.
Chín năm trước, Hà là niềm tự hào của họ hàng khi thi đỗ vào Đại học Y Thái Bình với số điểm 25,5 khối B00. Trong 6 năm đại học, ngoài thời gian học trên lớp, Hà thường xuyên vào viện để học lâm sàng, rồi đêm về lại chong đèn ôn tập đến gần sáng.
“Hiếm có ngành nghề nào áp lực học tập lại lớn như ngành y”, Hà nói và cho biết, sau khi ra trường, để theo đuổi được ngành Y, trở thành bác sĩ, các cử nhân y khoa phải theo học thêm 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề hoặc học lên bác sĩ nội trú kéo dài 3 năm.
Trước ngày ra trường, Hà từng có ý định ứng tuyển vào bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện huyện với mong muốn làm việc gần gia đình. Thế nhưng cơ chế tuyển dụng ngày đó không phù hợp với kinh tế gia đình cô, đặc biệt, mức lương cơ bản bác sĩ mới ra trường khá thấp, chỉ vài triệu đồng mỗi tháng nên cô đành bỏ ý định vào làm việc tại bệnh viện địa phương. Hà lựa chọn lên Hà Nội nộp hồ sơ vào bệnh viện tư để làm việc.
Sau hơn 3 năm đi làm ở Hà Nội, mức thu nhập của Hà tốt hơn nhiều so với bạn bè trang lứa lựa chọn làm việc ở bệnh viện tỉnh, huyện. Đồng thời, cô cũng được bệnh viện tạo điều kiện cho tham dự khóa học chuyên sâu về ngành hỗ trợ sinh sản để trở thành bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn.
Ngay cả khi có chế độ đãi ngộ tốt để về tuyến y tế cơ sở công lập, Hà thẳng thắn nói: "Ở thời điểm hiện tại tôi chưa có ý định về tuyến dưới, có thể sau này nếu cơ chế chính sách về tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế khối công lập thay đổi tôi sẽ cân nhắc”.
Ở lại thành phố có hơn về quê?
Trao đổi với VTC News, một phó giám đốc trung tâm y tế tuyến huyện tại tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tỷ lệ bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác tại trung tâm y tế huyện, xã rất thấp, dẫn đến thực trạng bệnh viện huyện, trạm y tế xã thiếu bác sĩ, thậm chí cả điều dưỡng.
Vị phó giám đốc chỉ ra nguyên nhân do chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến. Chính những nguyên nhân này dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân được nhân lực tại y tế cơ sở, nhất là nhân lực chuyên môn bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y.
“Qua 2 năm đại dịch, nhiều nhân viên nghỉ việc, chuyển việc, về hưu nhưng không tuyển được mới. Do không có bác sĩ trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân đến khám, điều trị, dẫn đến nguồn kinh phí từ dịch vụ khám chữa bệnh thấp”, vị bác sĩ nói.
Một số cán bộ y tế được cử đi đào tạo, sau khi hoàn thành khóa học có nguyện vọng chuyển công tác tới các bệnh viện tuyến cao hơn, gây khó khăn cho một số bệnh viện huyện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế cũng là rào cản khiến bác sĩ vừa ra trường chưa mặn mà với y tế tuyến huyện.
Chuyên gia thông tin thêm, sở dĩ bác sĩ trẻ ngại về các trung tâm y tế huyện do còn vướng câu chuyện xa trung tâm thành phố, việc đi lại trao đổi, học hỏi chuyên môn từ các chuyên gia giỏi ở tuyến trên khó khăn.
“Tôi từng nghe một bác sĩ trẻ tâm sự rằng họ ở lại thành phố làm việc trong bệnh viện với mức lương ban đầu chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng nhưng họ thấy được tương lai phát triển của bệnh viện, được đi học, chọn ngành nghề phù hợp”, vị bác sĩ nói.
Chuyên gia cho rằng để thu hút được các bác sĩ về các tuyến y tế cơ sở trước hết phải giải quyết được vấn đề thuốc, nâng cấp trang thiết bị để thu hút được người bệnh. Không có thuốc thì bệnh nhân sẽ không đến, không có bệnh nhân thì bác sĩ không về.
Bên cạnh đó, tuyến y tế huyện cũng cần có thêm nhiều chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sĩ nếu muốn thu hút bác sĩ về.
ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ (Hà Nội) chia sẻ, nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường có xu hướng ở lại thành phố để làm việc tại các bệnh viện tư hơn là về các tuyến y tế cơ sở công lập.
Nếu về y tế cơ sở, các bác sĩ sẽ ít có cơ hội được các thầy cô, đồng nghiệp giàu kinh nghiệm chỉ bảo, không có thiết bị thực hành, rất khó phát huy được khả năng, chưa kể một số chuyên ngành đặc thù ở tuyến y tế cơ sở khó phát triển, thậm chí không có.
“Đãi ngộ cho bác sĩ mới ra trường về công tác tại các cơ sở y tế công lập tuyến dưới có thể chưa tương xứng với nỗ lực học tập, rèn luyện hơn 6 năm với bác sĩ đa khoa, 9 năm với bác sĩ nội trú nên các bác sĩ trẻ không mấy mặn mà”, bác sĩ Mạnh bày tỏ quan điểm. Ông cũng nói thêm, cần có giải pháp đồng bộ, sửa đổi cả về cơ chế, chính sách mới hy vọng thu hút nguồn lao động chất lượng về tuyến dưới.
Máy móc đắp chiếu
Theo niên giám thống kê y tế năm 2018, tổng số lao động trong ngành y tế, ở các cơ sở y tế có sự chênh lệch đáng kể, tuyến tỉnh là 149.542 người, tuyến huyện là 113.513 người, còn tuyến xã chỉ 69.373 người. Số lượng bác sĩ tập trung ở các các tuyến trung ương, tỉnh nhiều, do có điều kiện công tác tốt, cơ hội thăng tiến trong công việc, do vậy tỷ lệ bác sĩ/vạn dân có sự chênh lệch rõ rệt giữa các tuyến cơ sở y tế.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp cũng phản ánh thực trạng và đề xuất có chính sách thu hút bác sĩ mới ra trường về y tế cơ sở.
Theo ông Hòa, thời gian qua, y tế cơ sở giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe cho mọi trường hợp, có thể có những chi phí hợp lý, nhất là khám bảo hiểm y tế. Dù vậy, năng lực tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế do nhân lực thiếu và yếu về trình độ chuyên môn lẫn trang thiết bị y tế cũng như cơ sở vật chất.
“Trạm y tế chỉ có một bác sĩ, nơi chỉ có y sĩ, được trang bị máy siêu âm nhưng lại đắp chiếu trùm mền do không có đội ngũ y tế chuyên môn để siêu âm. Điều đó dẫn đến nhiều người dân phải vượt tuyến khám chữa bệnh với chi phí cao”, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.
Theo đại biểu, do chính sách về tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế chưa tương xứng với khối lượng công việc, môi trường, điều kiện làm việc. “Bác sĩ mới ra trường đa số không ai chịu về tuyến cơ sở làm việc, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định nguồn nhân lực tại chỗ, công tác khám và điều trị bệnh…”, đại biểu lo ngại.
Với những hạn chế nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở Việt Nam, thiết bị, cơ sở vật chất, chính sách cho thầy thuốc để thu hút bác sĩ mới ra trường để hệ thống y tế cơ sở đủ sức hoạt động.
Ông Hòa cũng đề xuất cần đầu tư cho các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa là phù hợp. Đồng thời cần có lộ trình tăng mức độ bảo hiểm y tế, mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh trong danh mục thuốc, vật tư y tế hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan từng thông tin thông tin, hiện nay tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10 - 20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ cho điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn.
Đặc biệt, mức phụ cấp trực một ngày đêm của y bác sĩ theo quy định hiện hành là 115.000 đồng một người, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng, đối với bệnh viện hạng một, hạng đặc biệt. Phụ cấp ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng, ca mổ loại một 125.000 đồng cho phẫu thuật viên chính.
Theo bộ trưởng Bộ Y tế, chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp vì đã xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã không còn phù hợp.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-bac-si-tre-khong-muon-ve-tuyen-y-te-co-so-lam-viec-ar814798.html