Vì sao bánh mỳ sandwich của Nga 'chậm chân' 300 năm so với thế giới?

Bánh mỳ kẹp với rau diếp, ớt cắt lát và dưa chuột chưa bao giờ nằm trong xu hướng ẩm thực phổ biến của Nga. Thịt băm viên đã từng gây xôn xao vào đầu thế kỷ 19, nhưng chúng vẫn không được ưa chuộng.

Có thể nhiều người không biết, nhưng cụm từ “sandwich Nga” thật ra khá lạ tai, đặc biệt khi từ mang nghĩa là sandwich trong tiếng Nga, - бутерброд – lại là một từ mượn của tiếng Đức, Butterbrot, nghĩa là “bánh mỳ và bơ.”

Những món ăn Nga quen thuộc với người dân thế giới qua hàng thập kỷ không phải là sandwich, mà là mayonnaisse hay rượu champaigne Nga.

Vậy thì bánh mỳ kẹp là như thế nào trong cuộc sống của người Nga? Trong lịch sử, người Nga không có từ nào để miêu tả bánh mỳ kẹp (sandwich). Tất nhiên, người Nga vẫn đặt một miếng jambong lên trên một lát bánh mỳ, và có thể còn cho vào túi mang đi trong những chuyến du lịch.

Nhưng bánh mỳ kẹp phomai lại là một vấn đề khác. Trước thời Peter Đại đế, ở Nga không có các loại phomai cứng. Những loại phomai mềm khi kẹp bánh mỳ khá bất tiện khi di chuyển bởi chúng sẽ nát vụn hoặc trở thành một mớ hỗn độn.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi Peter Đại đế cái trị nước Nga và đưa ra những cải cách quan trọng trong cuộc sống, bao gồm cả lĩnh vực ẩm thực. Lần đầu tiên trong giới quý tộc bắt đầu xuất hiện loại bánh mỳ được phủ thịt, cá phomai. Chẳng bao lâu, ngay cả tầng lớp trung lưu cũng ưa thích cách ăn này trong những bữa tối tiếp đãi khách.

Loại bánh mỳ cắt lát phủ một lớp nhân trên mặt (được gọi là sandwich mặt hở) được coi như một loại tiệc buffet của thế kỷ 18 - một cách phục vụ đồ ăn rất hợp với cuộc sống của người Nga.

 (Nguồn: The Moscow Times)

(Nguồn: The Moscow Times)

Những nhà giàu thậm chí còn có một chiếc bàn đặc biệt dành cho món khai vị. Hãy thử hình dung, một buổi tối mùa Đông, khách đến nhà vừa phải băng qua cái lạnh cắt da. Họ không ngồi vào bàn mà trước tiên sẽ đứng trong phòng khách trò chuyện.

Và nơi đó có đồ uống, với rượu hoa quả, và đồ ăn nhẹ. Một khay gồm những bánh mỳ nhỏ xinh phủ trứng cá muối, cá hồi hay thịt ướp chính là thứ đồ ăn lý tưởng vào lúc đó.

Từ thời Peter Đại đế cho đến nửa sau thế kỷ 19, món bánh mỳ sandwich “hở” này thường xuất hiện trong thực đơn khai vị của các bữa tiệc chiêu đãi, nhà hàng hay các quán trọ đắt tiền như một “phong cách cao cấp.”

Tuy nhiên, đến thời kỳ Liên Xô cũ, chiếc bánh sandwich đã có một mục đích khác hẳn. Nó không còn là một món ăn cao cấp nữa mà là một món ăn nhanh tiện lợi giúp cuộc sống của những người phụ nữ trở nên dễ dàng hơn.

Vào giữa những năm 1930, xúc xích – kolbasa bắt đầu được sản xuất tại các nhà máy, trở thành thứ nguyên liệu làm bánh sandwich mà chúng ta có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng ngày nay. Điều này khiến bánh sandwich trở thành một loại món ăn phổ biến.

Một yếu tố khiến bánh mỳ Nga trở nên rất khác biệt chính là phomai, đặc biệt vào thời Xô viết. Người Nga rất thích ăn phomai với rượu vang đỏ, hoặc phomai Parmesan bào ăn cùng mỳ ống. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người Nga, chữ “phomai” nhằm ám chỉ một lát phomai đặt trên một miếng bánh mỳ phết bơ cho bữa sáng.

Tất nhiên, dù có gọi bằng cái tên nào, bánh sandwich của Nga vẫn có sự khác biệt rõ rệt cả về hình thức lẫn nguyên liệu làm bánh. Trên thực tế, nó vẫn gần như không thay đổi trong vòng 300 năm qua, kể từ thời Peter Đại đế với một miếng xúc xích đặt trên một lát bánh mỳ bơ. Nước Nga dường như vẫn đứng ngoài toàn bộ quá trình phát triển của bánh mỳ sandwich ở châu Âu.

Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, sandwich gồm hai lát bánh mỳ không phết bơ, kẹp một miếng thịt nướng hoặc hun khói với rau sống và rau thơm. Theo truyền thuyết, loại bánh này do bá tước Sandwich sáng tạo nên vào năm 1762 để ông không bị bẩn thay khi đang ăn trong lúc chơi bài.

Sau này, nhiều biến thể khác của sandwich đều cùng được làm theo cách này. Biến tấu duy nhất đủ khác để trở thành một loại bánh mới chính là burger, với phần nhân là một phần thịt băm được viên lại và nướng chín.

 (Nguồn: The Moscow Times)

(Nguồn: The Moscow Times)

Tuy nhiên, bánh mỳ kẹp với rau diếp, ớt cắt lát và dưa chuột chưa bao giờ nằm trong xu hướng ẩm thực phổ biến của Nga. Thịt băm viên đã từng gây xôn xao tại Nga vào những năm đầu thế kỷ 19, nhưng chúng vẫn không được ưa chuộng.

Anastas Mikoyan đã nhập chiếc máy làm thịt băm viên đầu tiên – hay còn gọi là thịt hamburger, từ Mỹ vào Nga vào năm 1936 và xây dựng một cơ sở sản xuất thịt cốtlết của Liên Xô tại một nhà máy ở Mokva. Nhưng ông đã thất bại trong việc truyền bá niềm yêu thích loại bánh này cho người Nga.

Đối với người Nga, việc đặt một miếng thịt hun khói lên một lát bánh mỳ trắng phết bơ là một thú vui không có gì sánh bằng. Và bánh mỳ “sandwich cốtlết” chỉ được người Nga biết đến sau khi McDonalds mở chi nhánh đầu tiên của mình tại thủ đô Moskva vào năm 1990./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-banh-my-sandwich-cua-nga-cham-chan-300-nam-so-voi-the-gioi-post910147.vnp