Vì sao bạo động bùng phát ở Thụy Điển?
Các cuộc đụng độ bạo lực đã diễn ra trong 4 ngày ở một số thành phố Thụy Điển. Nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ kế hoạch của nhóm cực hữu chống Hồi giáo có ý định đốt kinh Qur'an.
Trong suốt 4 ngày qua, đụng độ nghiêm trọng giữa người biểu tình và phản đối biểu tình đã diễn ra ở Thụy Điển, khiến một số cảnh sát bị thương và nhiều phương tiện bị thiêu rụi.
Bạo lực bắt đầu từ hôm 14/4 sau khi Rasmus Paludan - lãnh đạo đảng cực hữu Stram Kurs - có kế hoạch tổ chức biểu tình với ý định đốt kinh Qur'an. Paludan là luật sư người Đan Mạch và có quốc tịch Thụy Điển.
Tình trạng bất ổn ghi nhận ở những nơi nhóm cực hữu chống Hồi giáo lên kế hoạch biểu tình hoặc đã tổ chức biểu tình.
Ông Paludan - người nhận được giấy phép tổ chức một loạt cuộc biểu tình trên khắp Thụy Điển vào cuối tuần lễ Phục sinh - vốn được biết đến hoạt động đốt kinh Qur’an, Reuters đưa tin.
Điều gì đang diễn ra?
Ông Paludan thông báo tổ chức một cuộc biểu tình ở Norrkoping, cách Stockholm khoảng 160 km về phía tây nam vào hôm 17/4. Sau khi có thông tin, những người phản đối đã ngay lập tức tập trung tại đó, Deutsche Welle đưa tin. Tuy nhiên, ông đã không xuất hiện tại Norrkoping.
Đám đông khoảng 150 người đã ném đá vào các sĩ quan và xe cảnh sát, đồng thời phóng hỏa đốt ôtô. 3 người đã bị thương khi cảnh sát địa phương bắn cảnh cáo. Phóng viên của TT News Agency chứng kiến một số cảnh sát trong trang phục chống bạo động khiêng một người đàn ông bị thương lên xe cứu thương.
Ít nhất 17 người bị bắt sau vụ việc.
“Cả ba người bị thương đều bị bắt vì tình nghi phạm tội”, cảnh sát cho biết, đồng thời nói thêm không ai trong số họ bị thương nặng.
Tình hình ở Norrkoping đã ổn định vào tối 17/4. Bất ổn cũng được ghi nhận tại thành phố Linkoping gần đó trong cùng ngày.
Ông Paludan cho biết trên trang Facebook của đảng rằng ông quyết định hủy bỏ biểu tình hôm 17/4 vì giới chức Thụy Điển trong khu vực đã “chứng minh họ hoàn toàn không có khả năng tự vệ và bảo vệ tôi. Nếu tôi bị thương nặng hoặc thiệt mạng do sự bất cẩn của cơ quan cảnh sát, nhiều người Thụy Điển, Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác sẽ rất đau lòng”.
Ngoài Norrkoping và Linkoping, tình trạng bất ổn và đụng độ bạo lực cũng diễn ra ở Stockholm, Orebro, Landskrona và Malmo.
Tối 16/4, ở Landskrona - địa điểm tổ chức ban đầu của nhóm Stram Kurs, vài trăm người đã ném đá và đốt ôtô, lốp xe và thùng rác. Họ cũng dựng hàng rào cản trở giao thông.
Malmo - nơi cách đó 45 km, địa điểm mới do cảnh sát di dời để tránh người biểu tình và người phản đối nhóm biểu tình đụng độ - cũng ghi nhận bất ổn.
Vào tối 15/4, cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và người phản đối biểu tình cũng đã nổ ra ở thành phố Orebro ngay trước kế hoạch đốt kinh Qur'an của nhóm ủng hộ đảng Stram Kurs. Vụ việc đã khiến 12 cảnh sát bị thương và 4 xe cảnh sát bị thiêu cháy.
Ông Paludan cho biết mình từng đốt kinh Qur’an và khẳng định sẽ lặp lại hành động này.
Trước đó, chính phủ Iran và Iraq đã triệu tập đặc phái viên Thụy Điển để phản đối về vụ đốt cuốn sách thánh của người Hồi giáo.
Lãnh đạo Stram Kurs là ai?
Ông Paludan - luật sư Đan Mạch nhưng cũng là công dân Thụy Điển - đã thành lập Stram Kurs vào năm 2017. Trang web của đảng này - hoạt động theo chương trình chống nhập cư và chống Hồi giáo - tự nhận “Stram Kurs yêu nước nhất trong các đảng chính trị ở Đan Mạch”.
Ở Thụy Điển, các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch đốt kinh Qur’an của Stram Kurs từng biến thành bạo động. Vào năm 2020, người biểu tình đốt xe và phá hoại mặt tiền các cửa hàng trong những cuộc đụng độ ở Malmö.
Theo BBC, ông Paludan từng bị bỏ tù một tháng vào năm 2020 vì nhiều tội, bao gồm tội phân biệt chủng tộc ở Đan Mạch. Lãnh đạo Stram Kurs cũng đã cố gắng lên kế hoạch đốt kinh Qur'an ở các nước châu Âu khác, bao gồm Pháp và Bỉ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-bao-dong-bung-phat-o-thuy-dien-post1310440.html