Vì sao bệnh thận mạn được gọi là kẻ giết người thầm lặng?

Bệnh thận mạn là bệnh lý diễn biến âm thầm với những dấu hiệu không rõ ràng khiến người bệnh chủ quan không thăm khám. Rất ít các trường hợp bệnh thận mạn được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Bệnh thận mạn là gì?

Suy thận hay còn gọi là bệnh thận mạn xảy ra khi những cấu trúc hoặc chức năng của thận bất thường từ 3 tháng trở lên. Theo Hội thận học quốc tế, bệnh thận mạn được chia làm 5 giai đoạn dựa vào mức lọc của cầu thận:

Mức độ 1,2: Những bất thường về cấu trúc, chức năng chưa gây ra các rối loạn về chức năng thận.
Mức độ 3 trở đi: Bắt đầu có những rối loạn chức năng thận.
Mức độ 5: Mức độ nặng nhất và người bệnh bắt buộc phải điều trị thay thế bằng phương pháp lọc màng bụng, lọc máu hoặc ghép thận.

Nguyên nhân gây suy thận

Bệnh thận mạn thường được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh tiến triển âm thầm, các biểu hiện không rõ ràng từ đó khiến người bệnh chủ quan, lơ là hoặc thích nghi với các triệu chứng này. Rất ít trường hợp suy thận ở mức độ nhẹ được phát hiện, và thường khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Bên cạnh đó có những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Ở giai đoạn cuối, người bệnh thận mạn sẽ phải điều trị thay thế bằng cách lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Ở giai đoạn cuối, người bệnh thận mạn sẽ phải điều trị thay thế bằng cách lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Vậy vì sao bị suy thận mạn? Bệnh thận mạn là nguyên nhân của rất nhiều các bệnh lý trong đó có những bệnh lý về chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Một số nguyên nhân khác gây bệnh thận mạn là:

Sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ đặc biệt là các thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và các loại thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng…
Các bệnh lý đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu
Bệnh lý di truyền: bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…), bệnh thận đa nang
Lối sống không lành mạnh như lười vận động, thường xuyên ăn đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng hoặc sử dụng chất kích thích…

Bệnh thận mạn có chữa được không?

Khi người bệnh đã được chẩn đoán bệnh thận mạn thì không thể chữa khỏi được mà cần điều trị suốt đời nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh (đến giai đoạn cuối phải điều trị thay thế).

Các phương pháp điều trị bệnh thận mạn là:

Thay đổi chế độ ăn: Duy trì chế độ ăn giảm đạm, giảm muối tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh. Bên cạnh đó cần hạn chế đồ ăn nhiều đường, dầu mỡ và bổ sung thêm nhiều rau củ quả, trái cây. Tuy nhiên người bệnh cần được tư vấn cụ thể của bác sĩ vì tùy từng giai đoạn sẽ có những hạn chế khác nhau, thậm chí có những giai đoạn người bệnh cần hạn chế một số loại rau củ quả.
Bổ sung đạm tùy thuộc vào từng giai đoạn.
Sử dụng thuốc (điều trị nội khoa).
Với những người đồng mắc các bệnh lý khác cần điều chỉnh lượng thuốc để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận.
Ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải điều trị lọc máu hoặc ghép thận kèm theo điều trị các triệu chứng do biến chứng của bệnh.

Bệnh thận mạn là một tình trạng diễn tiến chậm và dần dần gây ra rối loạn chức năng thận.

Bệnh thận mạn là một tình trạng diễn tiến chậm và dần dần gây ra rối loạn chức năng thận.

Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh thận mạn cần thay đổi lối sống để việc điều trị hiệu quả hơn bằng cách:

Uống đủ nước theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm tránh để cơ thể bị thừa dịch.
Vận động nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng, không vận động quá sức.
Duy trì cân nặng hợp lý.
Không sử dụng chất kích thích, uống rượu bia hay hút thuốc lá.
Tuân thủ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không bỏ thuốc hay tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
Kiểm soát tốt huyết áp và đường máu.
Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Bệnh thận mạn sống được bao lâu?

Suy thận sống được bao lâu? Tùy vào từng giai đoạn của bệnh và sự đáp ứng điều trị của người bệnh, các bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp để làm chậm tiến triển bệnh và kéo dài sự sống cho người bệnh.

Tiên lượng thời gian sống của người bệnh thận mạn giai đoạn cuối phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: việc tuân thủ điều trị, thể trạng người bệnh, các bệnh lý đồng mắc…

ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-benh-than-man-duoc-goi-la-ke-giet-nguoi-tham-lang-169240824222845895.htm