Vì sao bệnh viêm ruột mạn tính tăng nhanh?
Nguyên nhân gia tăng bệnh viêm ruột mạn tính hiện nay có liên quan đến môi trường sống như thức ăn, môi trường vi sinh vật trong ruột...
Suy dinh dưỡng, tái khám nhiều lần vì viêm ruột
Chị Hoàng Thị H.L. (30 tuổi, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) mới nhập viện trong tình trạng đi ngoài ra máu liên tục kèm theo choáng váng. Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán phình đại tràng nhiễm động và loét đại trực tràng xuất huyết ở mức độ nặng. Theo lời bệnh nhân, chị chịu đựng căn bệnh này khá lâu, do điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm. Căn bệnh tái đi tái lại, hoành hành khiến thể trạng chị L. suy yếu, sụt cân nghiêm trọng, liên tục đi ngoài ra máu kèm theo đau đầu và choáng váng.
“Ngày trước tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu hay một triệu chứng gì cụ thể cả, chỉ là đôi khi bên phải bụng bị nhói nhẹ, đi ngoài phân có kèm theo ít máu và kinh nguyệt không đều. Trải qua nhiều quá trình xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán toàn bộ đại tràng của tôi đã viêm loét rất nặng”, chị L. cho biết.
Cùng bắt đầu từ dấu hiệu đau bụng, đi ngoài ra máu, kèm theo mệt mỏi, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (17 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) đi thăm khám ở tuyến dưới với chẩn đoán mắc bệnh Crohn đại tràng (viêm mạn tính mô hạt của đường ống tiêu hóa). Tuy nhiên, điều trị nhiều lần nhưng bệnh vẫn tái lại, thậm chí nặng hơn. Cách đây chừng 1 tuần, T. được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám vì các dấu hiệu của bệnh tái phát kèm theo sốt và cơ thể suy nhược.
Theo TS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, nhóm bệnh viêm ruột mạn tính gồm 2 bệnh chính là viêm loét đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính) trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng. Cách đây 20 năm, số lượng bệnh nhân đến không nhiều và bệnh cũng không quá nặng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng có bệnh nhân điều trị nội trú, chưa kể số lượng điều trị ngoại trú rất nhiều.
BS. Khanh cho hay, đối với bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu và Crohn có 2 đỉnh tuổi. Đỉnh tuổi rất trẻ là 17, 19 đến 25 tuổi. Đỉnh tuổi này hay gặp nhất. Đặc biệt là bệnh Crohn gây ra biến chứng gần như “tàn tật” đường tiêu hóa bởi có những người rò ruột, dính ruột, thủng ruột, sau đó bị đi bị lại, không thể làm gì được. Đỉnh tuổi thứ hai là 50, 55 đến 60 tuổi. Bệnh khi xuất hiện ở đỉnh tuổi thứ 2 thường không quá nặng như ở đỉnh tuổi thứ nhất.
Thuốc điều trị tốt nhưng có giá thành cao
Theo BS. Khanh, nguyên nhân gia tăng tình trạng bệnh viêm ruột mạn tính hiện nay có liên quan đến môi trường sống như thức ăn, môi trường vi sinh vật trong ruột. “Nếu như trước đây chúng ta ăn thức ăn truyền thống, nhiều rau, nhiều chất xơ thì ngày nay chúng ta ăn ít rau và chất xơ, nhiều chất đạm. Thức ăn thay đổi dẫn đến các vi sinh vật trong ruột cũng thay đổi theo. Thứ 2 là loại thức ăn ngày nay cũng khác so với thức ăn truyền thống. Do đó, người ta cho rằng sự thay đổi về môi trường, tương tác với cơ thể người bệnh là điều kiện thuận lợi để sinh ra bệnh này”, BS. Khanh phân tích.
Bệnh viêm ruột mạn tính là bệnh tồn tại dai dẳng, lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều. Việc điều trị cũng rất khó khăn vì nó liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể.
Hiện tại, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai sử dụng thuốc sinh học cho bệnh nhân. Ưu điểm của thuốc sinh học là bệnh nhân đẩy lùi bệnh với ít tác dụng phụ, tuy nhiên giá thành còn cao so với thu nhập của người dân Việt Nam. Tính trung bình, một năm người bệnh nếu dùng thuốc phải chi trả trên 100 triệu đồng (ngoài 50% đã được BHYT thanh toán).
BS. Khanh cho rằng, thuốc sinh học được chứng minh là rất tốt và trong lâm sàng cũng cho thấy với những ca thất bại trong điều trị các thuốc khác thì thuốc sinh học là “cứu cánh”. Với những lỗ rò nếu sử dụng thuốc sinh học sẽ nhanh liền hơn, tổn thương ở đại tràng, ruột non sẽ giảm nhanh, đặc biệt các rò quanh hậu môn, trực tràng; hoặc đối với người trẻ tuổi mà bệnh rất nặng, việc sử dụng thuốc sinh học sẽ mang lại hiệu quả cao, đôi khi có thể tránh được việc phải phẫu thuật. Tuy nhiên, thuốc sinh học có nhược điểm là khi cắt thuốc lại tái phát và phải điều trị lâu dài.
Theo các chuyên gia về nội tiêu hóa, để hạn chế các bệnh lý viêm đường ruột mạn tính, mọi người cấn lưu ý một chế độ ăn uống đúng giờ giấc, hợp vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Không nên bỏ bữa, tránh ăn các thức ăn lâu ngày hoặc ôi thiu. Bên cạnh đó, nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cũng và sức đề kháng. Không nên xem thường các vấn đề về hệ tiêu hóa như: Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng thường xuyên, tiêu ra máu… Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng hoặc kháng sinh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường, người bệnh nên tiến hành thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tránh bệnh tình lâu ngày dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-benh-viem-ruot-man-tinh-tang-nhanh-d435791.html