Vì sao Bình Dương là hình mẫu của cả nước trong công cuộc đổi mới?
Từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngày 20-4, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương 1/4 thế kỷ: Thành tựu và phát triển". Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo trung ương, các chuyên gia, diễn giả.
Trải thảm đỏ thu hút đầu tư ,Trải chiếu hoa mời gọi nhân tài
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết 25 năm qua quy mô dân số của tỉnh tăng gần 5 lần; quy mô nền kinh tế tăng gấp 104 lần; thu ngân sách tăng gấp 75 lần và là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương.
Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm (gần 7.000 USD), được Trung ương đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Từ một tỉnh dựa chủ yếu vào nông nghiệp, đến nay tỉ trọng khu vực nông nghiệp khoảng 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%. Bình Dương đã bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước; riêng đầu tư nước ngoài đến nay đạt trên 39 tỉ đô la Mỹ. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, đạt tỉ lệ trên 82%, và 4 năm liên tiếp gần đây, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới đã vinh danh Vùng Thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Uy tín, thương hiệu và hình ảnh của Bình Dương ngày càng được nâng cao trong nước và trên thế giới.
Nhấn mạnh sự phát triển bứt phá của Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi cho rằng những thành tựu đó nhờ vào tư tưởng nhạy bén và những quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh Sông Bé (cũ). Cùng với đó, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã năng động, sáng tạo triển khai chủ trương "Trải thảm đỏ thu hút đầu tư" và "Trải chiếu hoa mời gọi nhân tài" để huy động các nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng quê hương Bình Dương.
Xứng đáng là kỳ tích
Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương 1/4 thế kỷ: Thành tựu và phát triển" đã nhận được hơn 175 bài viết và báo cáo tham gia của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực trong cả nước.
Các bài viết vừa bám sát thực tiễn vừa mang tính lý luận cao, bao trùm các lĩnh vực. Mỗi bài viết là một chất liệu quý đã tạo thành bức tranh phổ quát nhất với đầy đủ các gam màu về quá trình phát triển của tỉnh Bình Dương trong suốt 25 năm qua; đồng thời, phác thảo những định hướng, mục tiêu lớn để Bình Dương tiếp tục phấn đấu đạt được trong giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng ngay sau khi thành lập tỉnh, có hai thay đổi quan trọng diễn ra tại Bình Dương. Một là VSIP - Khu Công nghiệp kiểu mới, sáng kiến phát triển quan trọng có được từ sự hợp tác Việt Nam - Singapore – được vận hành thực tế và sớm được xác nhận là một hình mẫu thành công
Hai là "chỉ xin trung ương cho cơ chế, không xin tiền". Công thức phát triển này rất đơn giản, rõ ràng nhưng thực sự là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong nỗ lực thoát khỏi cơ chế "xin – cho" còn chưa thành công trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế (cho đến tận hôm nay). Đó thực sự là hai đột phá đúng nghĩa nhằm vào hai "trục" của quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam: thị trường - mở cửa hội nhập quốc tế.
PGS-TS Trần Đình Thiên còn cho biết sẽ là thiếu sót rất lớn khi khảo cứu quá trình phát triển khác thường của Bình Dương nếu chú ý không đúng mức đến vai trò của Becamex IDC. Đây là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, là "Đại bàng Việt Nam đích thực" đã lớn lên cùng Bình Dương và là một trong những yếu tố chủ chốt tạo lập nên thành công của Bình Dương. Becamex chính là lực lượng chủ công định hướng và định hình chân dung phát triển của Bình Dương suốt 25 năm qua. Đây là điều chưa Tập đoàn kinh tế nào khác làm được ở bất cứ địa phương nào ngoài Bình Dương.
Từ đó, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng những thành tích trên mang bóng dáng của một kỳ tích phát triển. "Và chỉ có thể giải thích nó bằng việc Bình Dương đã kiên trì theo đuổi thực thi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt. Bình Dương xứng đáng là kỳ tích của cả nước"- PGS-TS Trần Đình Thiên nói.
Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương 1/4 thế kỷ: Thành tựu và phát triển" được tổ chức trong 2 ngày (19 và 20-4) tại TP. Mới Bình Dương. Hội thảo là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa về chính trị và khoa học nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học về những thành tựu cũng như những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm sâu sắc, mang giá trị cốt lõi định hướng cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong thời kỳ mới.
Trước đó, ngày 19-4, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc gia đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bình Dương là hình mẫu của cả nước trong công cuộc đổi mới, được Hội đồng lý luận Trung ương lựa chọn để tiến hành tổng kết thực tiễn mô hình phát triển trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Các nội dung tại hội thảo tập trung vào 4 nhóm chuyên đề chính, gồm: Xây dựng hệ thống chính trị và các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành; Kinh tế - Phát triển đô thị; Con người - Văn hóa - Xã hội và Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại.