Vì sao Bộ Công thương vận hành 3 tổ công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu?
Ngày 31/8, lãnh đạo Bộ Công thương đã ký Quyết định 1756/QĐ-BCT thành 3 tổ công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu, trước tình trạng doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ kêu khó ngăn về nguồn cung, ngưng bán hàng, bán hàng nhỏ giọt do chiết khấu bằng 0 tại nhiều tỉnh, thành phố được các cơ quan báo chí phản ánh trong cả tuần qua.
Nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng
Trong những ngày qua, một số sở công thương tỉnh, thành phố phía Nam đã nhận được báo cáo của doanh nghiêp bán lẻ xăng dầu xin ngừng bán do không mua được hàng và chiết khấu bằng không, thậm chí chiết khấu âm.
Trước thực tế nêu trên, các sở công thương và lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã vào cuộc và có ghi nhận bước đầu về thị trường.
Chiều 31/8, ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, những ngày qua, đơn vị đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn cung xăng dầu không thiếu
Tại cuộc họp chỉ đạo lực lượng QLTT về vấn đề xăng dầu vào ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định nguồn cung không thiếu. Ngay từ tháng 4/2022, Bộ Công thương đã chủ động giao tăng thêm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những doanh nghiệp có khả năng nhập khẩu để cung ứng đầy đủ cho sự thiếu hụt của nguồn cung tại một số nhà máy lọc hóa dầu như Nghi Sơn, lượng tăng thêm lên tới 25%.
"Như vậy, với lượng dự trữ xăng dầu, khả năng cung ứng nguồn cung ứng xăng dầu từ trong nước qua hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn thì có thể khẳng định, đến thời điểm này và từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu nguồn cung. Nếu có thiếu nguồn cung rõ ràng đó là những hiện tượng không bình thường và cần phải xử lý" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Đoàn kiểm tra đã ghi nhận nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Ea H’leo, Cư M’gar, Ea Kar, TP Buôn Ma Thuột… báo hết xăng, một số cửa hàng thì hết sạch xăng chỉ còn dầu. “Chủ các cửa hàng cho biết, nguồn cung xăng dầu mấy ngày qua khan hiếm khiến doanh nghiệp không có hàng để bán” - ông Toàn cho hay.
Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Công thương Sóc Trăng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 489 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 57 cửa hàng ngưng hoạt động dài hạn do chờ chuyển nhượng, sang bán hoặc liên quan đến vi phạm pháp luật chờ xử lý và 6 cửa hàng đang sửa chữa được Sở xác nhận cho phép tạm ngưng hoạt động.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay không có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 1 thương nhân phân phối xăng dầu và các chi nhánh của các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phụ thuộc vào việc phân bổ sản lượng của các thương nhân đầu mối ngoài tỉnh.
Là địa bàn tiêu thụ xăng dầu lớn ở phía Nam, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn thành phố đạt 6.880 m3/ngày (tương đương 206.404 m3/tháng). Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn liên tục xuất hiện cửa hàng xăng dầu bán nhỏ giọt/ ngưng bán tạm thời với lý do hết xăng hoặc kinh doanh lỗ đã khiến dư luận quan tâm, lo lắng.
Trước tình hình trên, nhằm ổn định thị trường cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2/9, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng QLTT kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu, kịp thời, xử lý vi phạm.
Tổng kiểm tra kinh doanh xăng dầu ở 3 miền đến hết năm 2022
Trước hiện tượng không bình thường trên thị trường xăng dầu trong những ngày qua, ngày 31/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định 1756 QĐ-BCT thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Đáng chú ý mỗi tổ công tác được giao cho 1 thứ trưởng Bộ Công thương đảm nhận (Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải- tổ 1; Thứ trưởng Đặng Hoàng An- tổ 2; Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân- tổ 3).
Các tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu có nhiệm vụ: Đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu của Tổng cục QLTT, các Cục QLTT, Sở Công thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại các tỉnh, thành phố... Tiếp nhận thông tin, phản ánh và chỉ đạo kịp thời hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn được giao nhiệm vụ.
Thời gian thực hiện nhiệm vụ của các tổ công tác kết thúc vào ngày 31/12/2022.
Trước tình hình mặt hàng xăng dầu có diễn biến phức tạp, một số cây xăng tại khu vực phía Nam có biểu hiện găm hàng không bán, gây dư luận không tốt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm minh, tước giấy phép vĩnh viễn cơ sở kinh doanh xăng dầu “găm hàng”. Bởi vì, xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện đúng các điều kiện quy định và thể hiện rõ trách nhiệm xã hội đối với Nhà nước, với thị trường, theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục QLTT đã xử phạt hành chính và tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu 7 công ty xăng dầu thời hạn từ 1 đến 3 tháng và 11 công ty bị xử phạt hành chính.
Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là, duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định, nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hàng năm, hay không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công thương.