Vì sao Bộ GTVT không giao vốn bảo trì cho VNR?
Trước dư luận gần đây về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không giao vốn bảo trì đường sắt cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ có báo cáo giải trình làm rõ. Tại công văn số 3509/BC-BGTVT về công tác triển khai Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Bộ đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt năm 2021.
Trước dư luận gần đây về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không giao vốn bảo trì đường sắt cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ có báo cáo giải trình làm rõ. Tại công văn số 3509/BC-BGTVT về công tác triển khai Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Bộ đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt năm 2021.
Phải tuân thủ các quy định pháp luật
Trong báo cáo này, một lần nữa Bộ GTVT bảo lưu quan điểm đối với hai nội dung đang có sự khác biệt về quan điểm giữa các bộ, ngành là việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt và thời gian giao VNR quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước, cần phải thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành khi xây dựng Đề án, nhất là Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đường sắt và các quy định có liên quan.
“Mục tiêu cao nhất là việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế”, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Trước đó, VNR đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những vướng mắc trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tương tự như năm 2020. Theo Điều 7, Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, VNR kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.
Theo nhận định của lãnh đạo VNR, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ vẫn tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, từ ngày 29-9-2018 trở về trước, VNR là đơn vị trực thuộc Bộ nên hằng năm, Bộ giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-9-2018 của Chính phủ, sau thời điểm này, VNR chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, Bộ Tài chính đánh giá, Bộ GTVT giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR năm 2021 là không phù hợp quy định tại Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 31, Nghị định 163/2016/NĐ-CP.
Bộ cũng dẫn chiếu quy định tại Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP: “đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công là việc cơ quan nhà nước chỉ định đơn vị sự nghiệp công lập; nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đáp ứng theo các yêu cầu, điều kiện đặt hàng của Nhà nước”, VNR không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không thể tiến hành đặt hàng với các nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Trường hợp VNR được Chính phủ đồng ý là đơn vị đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia, thì phải sửa quy định này.
Vụ trưởng Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) Lê Hoàng Minh đánh giá, việc Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2020 hiện hành. Sau đó, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ ký hợp đồng đặt hàng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với các đơn vị bảo trì của VNR.
Nguy cơ tiềm ẩn về an toàn chạy tàu
Hiện dự toán ngân sách và kế hoạch bảo trì đã được Bộ GTVT xây dựng, nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 cũng sẵn sàng chuyển bất cứ lúc nào. Bộ GTVT đang rất “sốt ruột” về việc bảo trì, bởi hạ tầng đường sắt đã cũ kỹ, xuống cấp, nếu không bảo trì kịp thời, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn chạy tàu, người lao động bị cắt giảm thu nhập, cuộc sống hết sức khó khăn. Dù có tiền nhưng Bộ GTVT cũng không thể ứng dự toán cho các đơn vị bảo trì đường sắt vì chưa có hợp đồng kinh tế thì không triển khai thực hiện được.
Tại thời điểm năm 2019, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do dự toán năm 2019 đang trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Nghị định số 131/2018/NĐ-CP có hiệu lực.
Để giải quyết tạm thời vướng mắc về giao vốn bảo trì năm 2020, trên cơ sở Nghị quyết số 87/2019/QH14 của Quốc hội ngày 14-11-2019, ngày 9-4-2020, Chính phủ ra Nghị quyết số 41/NQ-CP giao dự toán năm 2020 cho VNR như năm 2019 trở về trước. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ GTVT chủ động phối hợp các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR để tổ chức thực hiện là không trái quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời, không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, việc tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR như các năm trước là không phù hợp quy định tại Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước, Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, do VNR không còn trực thuộc Bộ GTVT.
“Việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam không phải tạo thêm một khâu trung gian không cần thiết. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục Đường sắt Việt Nam có đủ thẩm quyền, năng lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đây cũng là điều Bộ GTVT đã từng làm với công tác giao vốn bảo trì kết cấu tài sản do Nhà nước đầu tư ở các lĩnh vực khác như đường bộ, hàng không, hàng hải...”, ông Lê Hoàng Minh nhấn mạnh.
Trước quan điểm có phần trái ngược nhau, Bộ GTVT thống nhất ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành về tài chính là Bộ Tài chính, việc giao dự toán bảo trì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Trường hợp năm 2021, vẫn giao VNR thụ hưởng kinh phí nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2021 thì tiếp tục phải có sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Nếu VNR được Chính phủ đồng ý là đơn vị thực hiện đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, sẽ phải sửa quy định tại Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Bản thân VNR cũng phải bổ sung chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh, Bộ GTVT đã nhiều lần khuyến cáo nhưng VNR không thực hiện”, ông Lê Hoàng Minh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cũng có quan điểm khác biệt giữa các bộ, ngành là thời gian giao doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ (VNR) quản lý sử, dụng tài sản kết cấu đường sắt quốc gia không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Bộ Tư pháp, phương án giao VNR đến năm 2030 nhằm tạo khoảng thời gian hợp lý để doanh nghiệp có thể lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả và phù hợp đặc thù kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ GTVT nêu quan điểm, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định nội dung quản lý tài sản của cơ quan quản lý nhà nước (Cục Đường sắt Việt Nam) được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia. Điều 5 của nghị định này cũng quy định chỉ giao tài sản kết cấu hạ tầng đường quốc gia cho doanh nghiệp theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước trong một thời gian nhất định.
Bộ GTVT cho rằng, việc giao VNR quản lý ,sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong 5 năm (2021-2025) là phù hợp để Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam và VNR hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục Đường sắt Việt Nam phù hợp để quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các Bộ quản lý chuyên ngành, cũng như việc VNR chưa phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện bảo trì đường sắt năm 2021, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp để thống nhất ý kiến giữa các Bộ, ngành và xem xét các khó khăn, vướng mắc nêu trên, quyết định phê duyệt Đề án làm căn cứ để triển khai, thực hiện.