Vì sao bổ sung đối tượng dân sự tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ?

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, việc cử đối tượng dân sự tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng.

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, dự thảo luật bổ sung quy định về đối tượng dân sự được cử tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đây là quy định mới so với Nghị quyết số 130/2020/QH14 và cũng là nội dung mới so với đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Quốc phòng trình Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang (Ảnh: Media Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang (Ảnh: Media Quốc hội)

Về lý do mở rộng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại Đề án Tổng thể về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được Bộ Chính trị thông qua tháng 11/2012 đã quy định, xác định lộ trình tham gia và cơ chế cử đối tượng dân sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, tại một số cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo Liên Hợp Quốc đã đề nghị Việt Nam cân nhắc mở rộng lực lượng, phạm vi, địa bàn, đối tượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, bao gồm cả các vị trí lãnh đạo dân sự, chuyên gia dân sự tại các phái bộ thực địa và các vị trí dân sự tại Ban thư ký Liên Hợp Quốc.

"Qua đánh giá, việc cử đối tượng dân sự tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại các phái bộ thực địa và tại Trụ sở Liên Hợp Quốc bao gồm 3 đối tượng chính là quân đội, cảnh sát và dân sự, trong đó đối tượng dân sự thường có tính ổn định cao và nắm giữ các vị trí quan trọng.

Theo đó, việc bổ sung đối tượng dân sự sẽ giúp huy động thêm nguồn nhân lực để tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhất là các vị trí lãnh đạo, các vị trí tại các cơ quan hoạch định chính sách của Liên Hợp Quốc. Qua đó, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế", Đại tướng Phan Văn Giang nói.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng cho biết, trong quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo luật, Bộ Quốc phòng nhận được các ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng dân sự từ Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, khi thực hiện truyền thông chính sách, dư luận xã hội đối với việc bổ sung lực lượng dân sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là rất tích cực.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều quốc gia đã và đang cử các viên chức Chính phủ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các phái bộ thực địa và tại các cơ quan hoạch định chính sách, Trụ sở Liên Hợp Quốc, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal, Hoa Kỳ, Anh, Bangladesh, Đức... ở các vị trí như Chánh văn phòng phái bộ, Chuyên gia chính trị cao cấp, Giám đốc hỗ trợ thực địa, Chuyên gia y tế, Chuyên gia nhân quyền, Chuyên gia pháp luật, Nhân viên an ninh, Nhân viên cứu trợ...

Trong đó, Trung Quốc hiện đang có chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ và đã cử số lượng lớn nhân viên dân sự làm việc tại các văn phòng tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và tại thực địa. Đây là bước đi mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn nhằm gia tăng mức độ, phạm vi ảnh hưởng, trực tiếp tham gia soạn thảo, hoạch định các chính sách của Liên Hợp Quốc ở các cấp độ.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thấy rằng, việc ban hành Luật sẽ góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc triển khai tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên thực tế; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-bo-sung-doi-tuong-dan-su-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-lhq-post1199372.vov