Vì sao Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón?
Theo Bộ Tài chính phương án tăng thuế xuất khẩu góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là khi giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất MFN đối với mặt hàng phân bón.
Theo Bộ Tài chính, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón. Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón lên 5%. (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính cho biết phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.
Bộ Tài chính cho hay thời gian gần đây cơ quan này nhận được kiến nghị của nhiều cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu với phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.
Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về tổng quan thị trường phân bón. Theo đó, giá các loại phân bón thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu và tăng giá mạnh thời gian qua. Thêm vào đó, việc khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK) khiến giá phân bón tăng cao.
Tính đến nay, tổng công suất sản xuất phân bón trong nước đạt 29,25 triệu tấn gồm phân vón vô cơ và phân bón hữu cơ. Trong trường hợp các nhà máy sản xuất phân bón hoạt động thuận lợi theo công suất thiết kế có thể đáp ứng nhu cầu phân đạm và phân lân trong nước, riêng phân kali do không có mỏ muối kali nên phải dựa vào nhập khẩu.
Trao đổi với báo Giao thông, một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá các loại phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây do diễn biến tăng theo giá thế giới.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhận định, một trong những nguyên nhân khiến giá tăng cao là do hiện nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng thời cơ để xuất khẩu, trong bối cảnh giá thế giới tăng rất mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón.
“Việc này dẫn đến nguồn cung trong nước thiếu. Khi đó, doanh nghiệp tiếp tục nâng giá bán té nước theo mưa để được lợi cả đôi đường”, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho hay.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, quý I/2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, tăng 42,2% so với quý I/2021, thu về 306,97 triệu USD, tăng 198,5%, giá trung bình đạt 647,3 USD/tấn, tăng 110%.
Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia, chiếm 20,6% trong tổng lượng và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch phân bón xuất khẩu của cả nước, đạt 97.791 tấn, tương đương gần 48,69 triệu USD, giá trung bình 498 USD/tấn, giảm nhẹ 0,6% về lượng, nhưng tăng 56% về kim ngạch và tăng 57% về giá so với quý I/2021.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 30.368 tấn, tương đương 22,96 triệu USD, giá trung bình 756 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với quý I/2021, với mức tăng tương ứng 184%, 599% và 146%; Chiếm 6,4% trong tổng lượng và chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch....