Vì sao Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định 'mỗi gia đình chỉ sinh một hoặc hai con'?

Cục Dân số - Bộ Y tế cho biết, các tỉnh có mức sinh thấp hiện chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước…

Th.BS Nguyễn Tân Sơn, Cục Dân số - Bộ Y tế trình bày tại một điểm truyền thông về dân số ở Hà Nội

Một vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm là việc Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng hoặc cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ "sinh một hoặc hai con” đang áp dụng hiện nay. Đề xuất được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số - Bộ Y tế, một trong những thách thức của công tác dân số và phát triển tại Việt Nam hiện nay là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Ông Dũng cho biết, khi tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. Tuy nhiên, hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền của nước ta đang có sự chênh lệch đáng kể.

Cụ thể, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung. Chẳng hạn ở vùng Đông Nam Bộ, năm 1999, mức sinh là 2,9 con/ một phụ nữ thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 1,56 con.

Cục trưởng Cục Dân số nhấn mạnh, các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước. Nếu mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, để lại nhiều hệ lụy như: thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động; gia tăng tốc độ già hóa dân số; suy giảm quy mô dân số và tăng trưởng âm về dân số…

Hiện tại, Bộ Y tế được giao hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ; dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025.

Theo ông Dũng, một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. Trong đó, sẽ khuyến khích người dân sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp; tiếp tục thực hiện giảm sinh tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh cao;

Vì thế, quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh… cũng nhằm mục đích này.

Nhiều chuyên gia y tế, dân số cũng chỉ ra, hiện nay có tình trạng nhiều người không muốn sinh con, ngại sinh con hay không thể sinh con. Nguyên nhân một phần là do chi phí nuôi con, hoặc phụ nữ tham gia nhiều hơn các công việc trong xã hội nên không muốn sinh con...

Các chuyên gia đánh giá quy định "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định..." đã không còn phù hợp với bối cảnh mức sinh thay thế đang giảm ở một số thành phố lớn hiện nay. Thực tế, quy định này trong những năm qua đã không còn khắt khe như trước, nhưng để hợp pháp hóa thì cần có sửa đổi chính thức để áp dụng.

Hà Nội tổ chức điểm truyền thông nhân Ngày Dân số thế giới 11-7

TS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội phát biểu tại Điểm truyền thông

Nhân Ngày dân số thế giới 11-7, Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển quận Long Biên đã tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.

6 tháng đầu năm nay, quận Long Biên đã thực hiện tư vấn và sàng lọc trước sinh đủ 4 bệnh cho 3081 bà mẹ mang thai, đạt 99,2% kế hoạch; tư vấn và sàng lọc sơ sinh đủ 5 bệnh cho 1815 trẻ, đạt 102,4% kế hoạch…

Tại điểm truyền thông, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội Vũ Duy Hưng đánh giá cao những mô hình, chương trình mà Long Biên đã rất sáng tạo triển khai như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản nam trung niên, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-bo-y-te-de-xuat-bo-quy-dinh-moi-gia-dinh-chi-sinh-mot-hoac-hai-con-post582583.antd