Vì sao bồi thẩm đoàn xác định ông Trump lạm dụng tình dục
Nhà văn E. Jean Carroll nói rằng việc bị ông Trump lạm dụng tình dục vào năm 1996 đã khiến bà không thể bước vào một mối quan hệ tình cảm nào khác.
Phiên tòa xét xử cáo buộc ông Donald Trump ngày 9/5 đã gây rúng động nước Mỹ, sau khi bồi thẩm đoàn phán quyết ông lạm dụng tình dục với nhà văn E. Jean Carroll trong vụ việc vào năm 1996. Dù vậy, bồi thẩm đoàn không kết ông Trump tội cưỡng hiếp.
Sau phán quyết của bồi thẩm đoàn, bà Carroll cho biết “thế giới cuối cùng cũng biết sự thật”. Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump chỉ trích phán quyết này mang động cơ chính trị: "Tôi hoàn toàn không biết người phụ nữ này là ai. Phán quyết này là một sự ô nhục - sự tiếp nối của ‘cuộc săn phù thủy’ lớn nhất mọi thời đại".
Lời khai của bà Carroll
Vào ngày đầu tiên của phiên tòa, E. Jean Carroll đã kể lại vụ tấn công mà bà nói rằng nó đã khiến mình không thể bước vào một mối quan hệ tình cảm nào khác, theo Guardian.
“Tôi ở đây vì Donald Trump đã cưỡng hiếp tôi, và khi tôi viết về điều đó, ông ấy nói rằng điều đó không xảy ra. Ông ta nói dối và hủy hoại thanh danh của tôi. Tôi ở đây để cố gắng lấy lại cuộc sống của mình”, bà nói với bồi thẩm đoàn.
Bà mô tả lại đã tình cờ gặp ông Trump khi bà chuẩn bị rời khỏi trung tâm thương mại Bergdorf Goodman. Ông Trump đã nhờ tư vấn mua một món quà cho một người phụ nữ, và sau đó đã dẫn đến khu đồ nội y.
Bà cho biết ông Trump đã chộp lấy bộ đồ một mảnh màu xanh xám và yêu cầu bà mặc thử. “Tôi không có ý định mặc nó. Tôi nói rằng ‘ông mặc đi, đó là màu của ông”, bà Carroll khai với tòa.
Sau đó, ông Trump đã đề nghị cả hai thử bộ đồ này và đến phòng thay đồ. Ban đầu, bà không nghĩ quá nhiều về việc này, nhưng tâm trạng bà đã thay đổi sau khi họ vào phòng thử đồ.
“Ông ấy lập tức đóng cửa và đẩy tôi vào tường. Ông ta xô tôi đến nỗi đầu tôi đập mạnh. Tôi rất bối rối”, bà nói, khai thêm ông Trump sau đó đã kéo quần bà xuống và tấn công tình dục.
Cảnh báo của thẩm phán
Thẩm phán Lewis Kaplan đã cảnh báo rằng ông Trump có thể vượt quá giới hạn, sau khi cựu tổng thống đăng bài trên mạng xã hội Truth Social nói rằng lời buộc tội của bà Carroll là dựng chuyện để lừa đảo và là cuộc săn phù thủy.
Ông Kaplan nói rằng bài đăng của ông Trump “hoàn toàn không phù hợp” và có thể trở thành nguồn trách nhiệm pháp lý với cựu tổng thống.
Sau vài ngày im lặng, ông Trump tiếp tục công kích, gọi các cáo buộc này là “sự ô nhục” và nói vị thẩm phán mang tâm lý thù địch.
Người đứng sau vụ kiện
Bà Carroll nói rằng mình đã đâm đơn kiện ông Trump sau khi nhận những lời cố vấn từ George Conway - chồng của Kellyanne Conway, một trong những cố vấn thân cận của cựu Tổng thống Trump. George Conway từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Trump trong khi vợ mình còn làm việc ở Nhà Trắng.
Bà Carroll nói rằng vào năm 2019, sau khi mình công khai cáo buộc ông Trump, và cựu tổng thống cáo buộc ngược lại rằng bà dựng chuyện, bà đã gặp ông Conway trong một bữa tiệc.
Ông Conway khi đó đã khuyến khích bà nghiêm túc cân nhắc kiện ông Trump tội phỉ báng. Bà đã đâm đơn kiện vài ngày sau cuộc gặp.
Luật sư Joe Tacopina của ông Trump đã cố lập luận rằng cuộc gặp này như bằng chứng về động cơ chính trị của bà Carroll khi kiện cựu tổng thống.
Lời khai từ hai người bạn thân
Tại phiên tòa, hai người bạn thân của bà Carroll nói rằng bà ấy đã kể lại vụ việc ngay sau khi bị tấn công tại Bergdorf Goodman.
Nhân chứng Lisa Birnbach nói rằng bà Carroll “khó thở, thở gấp và đang xúc động”, và bà Birnbach đã khuyên Carroll nên đến gặp cảnh sát, nhưng bị từ chối.
Trong khi đó, người bạn còn lại là Carol Martin đã có lời khuyên ngược lại khi bà Carroll đến nhà sau vụ tấn công.
“Tôi đã nói rằng bà ấy (Carroll) không nên làm bất cứ điều gì, vì đó là Donald Trump, ông ấy có rất nhiều luật sư và sẽ áp đảo bà ấy thôi”, bà Martin nói. “Tôi đã tự vấn bản thân trong nhiều năm vì sao lại khuyên như vậy. Tôi không lấy gì làm tự hào”.
Góc độ tâm lý học
Tiến sĩ Leslie Lebowitz, một nhà tâm lý học lâm sàng, nói với phiên tòa rằng bà Carroll “đau bụng gấp đôi” khi nhớ lại cuộc tấn công.
Bà Lebowitz nói bà Carroll có những biểu hiện của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), bao gồm tổn thương thể xác, khác với những chẩn đoán lâm sàng khi vụ việc diễn ra vào năm 1996.
Nhà tâm lý học kết luận bà Carroll bị tổn thương theo 3 yếu tố chính. Chúng bao gồm đau khổ do “ký ức đau đớn” trong nhiều năm và “sự suy giảm” trong việc bà suy nghĩ và cảm nhận về bản thân.
Song, tiến sĩ Lebowitz nói tác động nổi bật nhất là bà Carroll có “biểu hiện hội chứng tránh né” khiến bà không thể bước vào một mối quan hệ lãng mạn.
“Sau lần gặp ông Trump, bà ấy bắt đầu tránh né gặp gỡ những người đàn ông khác. Bà ấy tránh những điều khiến mình nhớ lại mối đe dọa khi trước”, bà Lebowitz nói.