Vì sao 'bom nợ' Evergrande (Trung Quốc) nộp đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ?
Doanh nghiệp nộp đơn thực hiện thủ tục phá sản không có nghĩa là phá sản, mà đây có thể là thêm một cơ hội để doanh nghiệp xoay chuyển tình thế và vực dậy từ khó khăn
Bảo hộ phá sản để không bị phá sản
Theo ông Lê Quang Hiếu, Luật sư Đoàn Luật sư Việt Nam, dưới góc độ pháp luật, định nghĩa về phá sản tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 là tình trạng trạng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Luật pháp Việt Nam chưa có khái niệm “bảo hộ phá sản”, nhưng các điều khoản trong Luật Phá sản hiện hành cũng giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, duy trì hoạt động và đảm bảo thanh toán nợ để không rơi vào tình cảnh thực sự phá sản.
Luật phá sản 2014 Việt Nam cũng có các điều khoản giúp doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi kinh doanh và đảm bảo thanh toán nợ dưới sự giám sát của tòa án và các chủ nợ.
Theo quy định tại Luật Phá sản 2014 thì khi doanh nghiệp nộp hồ sơ phá sản thì tòa án sẽ xem xét, khi thụ lý thì doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng dưới sự giám sát của tòa án và quản tài viên.
Từ đó có thể hiểu bảo hộ phá sản là việc một doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản hoặc nói cách khác đó là việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề tài chính.
Nếu việc phục hồi của doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, trả được các khoản nợ cho chủ nợ của mình và tiếp tục các hoạt động kinh doanh.
Như vậy, nộp đơn thực hiện thủ tục phá sản không có nghĩa là phá sản. Doanh nghiệp nộp đơn phá sản có thêm một cơ hội để xoay chuyển tình thế và vực dậy từ khó khăn. Việc nộp đơn phá sản lên tòa án lại là một công cụ pháp lý hữu hiệu, nhiều doanh nghiệp nhờ vậy đã vực dậy được tình hình.
Theo luật pháp Mỹ, bảo hộ phá sản (bankruptcy protection) cho phép doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động kinh doanh. Khi tự nguyện nộp đơn phá sản, doanh nghiệp được bảo hộ có cơ hội tái cơ cấu, duy trì hoạt động và vực dậy từ khó khăn.
Đó là một trong những lý do Evergrande (Trung Quốc) nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Bởi theo Luật Bảo hộ phá sản của Mỹ, Chương 11, các doanh nghiệp xin phá sản được bảo vệ khỏi chủ nợ trong thời gian nhất định và tiếp tục kinh doanh. Doanh nghiệp có thể phải bán bớt tài sản hoặc giải thể các bộ phận không sinh lời hay cho người lao động nghỉ việc.
Ảnh hưởng gì tới Việt Nam?
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, việc Evergrande phá sản không tác động nhiều đến thị trường bất động sản và chứng khoán Việt Nam vì chủ đề "Evergrande vỡ nợ" không phải là vấn đề mới. Thực tế doanh nghiệp này đã khó khăn, "vỡ nợ" từ cuối năm 2021.
Theo chuyên gia kinh tế này, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản ở Việt Nam có tiềm lực tài chính vững mạnh, hệ số nợ trong tầm kiểm soát, đảm bảo một hệ số an toàn nhất định.
Cũng bàn về vấn đề Evergrande phá sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, ở góc độ vĩ mô thì việc doanh nghiệp lớn như Evergrande phá sản sẽ có ảnh hưởng đến toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản không giống với ngân hàng, ví dụ một ngân hàng lớn của thế giới hay Trung Quốc phá sản thì tác động của vấn đề đó đến các nền kinh tế sẽ là lớn và trực tiếp. Còn với lĩnh vực bất động sản, thường các công ty bất động sản độc lập với nhau nên những tác động kiểu như thế này gần như không có, thường mang yếu tố tâm lý nhiều hơn.
"Trừ trường hợp tập đoàn này Everrande đứng sau lưng doanh nghiệp nào đó ở Việt Nam, trong trường hợp họ phá sản thì doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Còn nếu ngược lại không có chuyện Evergrande đứng sau thì không có bất kỳ ảnh hưởng gì", ông Phong nói thêm.
Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc. Tập đoàn này đã rơi vào khó khăn kéo dài bởi vay nợ nhiều và mất khả năng trả nợ hồi năm 2021, kích hoạt cuộc khủng hoảng bất động sản lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ của Evergrande là 340 tỷ USD, lỗ 81 tỷ USD trong 2 năm (2021-2022). Doanh nghiệp cũng đã nộp đề án tái cơ cấu đầu năm 2023 và đã đạt thỏa thuận, cam kết nhất định từ các chủ nợ. Theo đó, Evergrande kỳ vọng sẽ hồi phục, trở lại hoạt động bình thường trong 3 năm, nhưng sẽ cần bổ sung nguồn tài trợ khoảng 40 tỷ USD.
Thực tế, doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã làm việc nhiều tháng để hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc nợ ở nước ngoài. Evergrande đã bán cổ phẩn chiến lược của công ty xe điện thuộc Tập đoàn Evergrande cho một doanh nghiệp đóng tại Dubai với vốn góp khoảng 500 triệu USD (28% vốn cổ phần của công ty xe điện này). Evergrande cũng đang đàm phán tái cơ cấu với các chủ nợ, nhà đầu tư ở Hong Kong, Đảo Cayman và Bulgari.