Vì sao BP mua lại công ty sản xuất khí sinh học Archaea Energy của Mỹ?
Vào hôm 18/10, tập đoàn khí đốt khổng lồ BP (Anh) công bố đã đạt được thỏa thuận mua lại nhà sản xuất khí đốt tái tạo Archaea Energy (Mỹ) với giá 4,1 tỷ USD. Trong đó, 800 triệu USD được vay qua ngân hàng.
Archaea có công suất sản xuất khí mê-tan sinh học tương đương với 6.000 thùng dầu/ngày. Nguyên liệu sản xuất là chất thải từ các bãi rác hoặc enzyme có trong các vật chất hữu cơ của ngành chăn nuôi hoặc thực phẩm.
BP hy vọng thương vụ này sẽ giúp “tăng cường đáng kể các hoạt động sản xuất năng lượng sinh học của tập đoàn” và hỗ trợ BP đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Hiện nay, giao dịch đang chờ sự phê duyệt của chính quyền địa phương và các cổ đông của Archaea.
Theo một số nhà phân tích, cổ phiếu của BP đã giảm 0,64% trong phiên giao dịch lúc 19h45 ngày 17/10 theo giờ Việt Nam. Vì vậy, BP phải mua lại Archaea với giá cao.
Nhằm lý giải quyết định mua lại, BP đã lập luận: “Nhu cầu toàn cầu về khí sinh học đang tăng nhanh chóng”. Thật vậy, hoạt động sản xuất khí sinh học tiêu thụ ít năng lượng hơn. Do đó, ít gây ô nhiễm hơn so với việc khai thác khí tự nhiên bằng phương pháp fracking. Sản xuất khí sinh học cũng ngăn không cho mêtan - một loại khí nhà kính mạnh, đi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, khi tiêu thụ, khí sinh học sẽ thải ra CO2.
BP đặt mục tiêu trở thành một công ty năng lượng tích hợp, đi đầu trong 5 mảng: năng lượng sinh học, xăng dầu, xe điện, năng lượng tái tạo và hydro.
Vào năm 2020, "gã khổng lồ" Anh khẳng định sẽ đạt được mục tiêu trung hòa carbon từ nay cho đến năm 2050. Tuy vậy, BP vẫn sẽ tập trung đầu tư vào “danh mục dầu khí trong thập kỷ tới”.
Hiện nay, các tổ chức môi trường thường xuyên buộc tội các ông lớn dầu khí là những kẻ “tẩy rửa sinh thái” (greenwashing). Theo đó, trong bối cảnh châu Âu cố gắng tách rời năng lượng Nga, các công ty dầu khí vẫn tăng cường khai thác hydrocarbon, làm lu mờ tình trạng khẩn cấp về khí hậu.