Vì sao BTS bị chỉ trích vấn đề nhập ngũ?

Giới chuyên môn nhận định việc HYBE thúc giục chính phủ sớm đưa ra kết luận về việc BTS được miễn nhập ngũ hay không khiến công chúng tức giận. Đây là cách làm phản tác dụng.

Danh tiếng và tầm ảnh hưởng của nhóm nhạc Kpop BTS lớn dần từng ngày. Nhưng cùng lúc, cuộc tranh luận về việc liệu các thành viên của nhóm có còn cần phục vụ trong quân đội Hàn Quốc hay không cũng ngày càng căng thẳng.

Mới đây, BTS đã vinh dự đến thăm Nhà Trắng để gặp gỡ Tổng thống Joe Biden. Họ đại diện cho cộng đồng châu Á và thảo luận về các vấn đề hòa nhập.

Cuộc tranh luận chưa có hồi kết

Nhà Trắng đã giới thiệu BTS là "biểu tượng quốc tế được đề cử giải Grammy", những người đóng vai trò quan trọng như đại sứ thanh niên. Điều đó cho thấy nhóm nhạc đã phát triển không chỉ với tư cách ca sĩ mà còn là hình mẫu cho nhiều người trên toàn thế giới.

Người Hàn Quốc ca ngợi nhóm nhạc vì đã trở thành nhân vật quốc tế thúc đẩy hòa bình. Trong khi đó, phần bình luận dưới các bài báo về nhóm nhanh chóng trở thành đấu trường tranh luận. Công chúng tranh cãi về việc liệu một nhân vật như BTS có nên phục vụ trong quân đội hay không.

Tất cả nam thanh niên ở Hàn Quốc phải phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, chính phủ và quân đội đang phải đối mặt với một câu hỏi phức tạp về uy tín quốc gia cũng như công lao của BTS. Đây là yếu tố dẫn đến khả năng được miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho nhóm nhạc.

Quốc hội từng sửa đổi Đạo luật nghĩa vụ quân sự vào năm 2020 để cho phép các ngôi sao Kpop hàng đầu, chẳng hạn Jin BTS (khi đó 28 tuổi) hoãn nghĩa vụ quân sự cho đến khi họ bước sang tuổi 30.

Nhưng đó là cách đây gần hai năm, và nếu không có thay đổi khác trong chính sách nhập ngũ, Jin phải thực hiện nghĩa vụ quân sự vào cuối năm nay. Những người bạn cùng nhóm của anh sinh từ năm 1994 đến 1997. Họ có vài năm nữa để chuẩn bị cho việc nhập ngũ.

 BTS đến thăm Nhà Trắng để gặp gỡ Tổng thống Joe Biden.

BTS đến thăm Nhà Trắng để gặp gỡ Tổng thống Joe Biden.

Tại sao quy định nhập ngũ của các thành viên BTS trở thành một vấn đề? Tất nhiên, BTS không phải là nhóm nhạc nam duy nhất ở Hàn Quốc đối mặt với việc phải nhập ngũ.

Lịch sử Kpop gắn liền với các nhóm nhạc nam nổi tiếng, bắt đầu với H.O.T, Shinhwa vào cuối những năm 1990 và tiếp tục với TVXQ, Big Bang vào cuối những năm 2000. Tất cả thành viên của các nhóm này đều nhập ngũ khi đến độ tuổi.

Tuy nhiên, nhiều nhóm nhạc nam trong số này đã tan rã hoặc mất thành viên vì những lý do như tranh chấp hợp đồng với công ty quản lý, giảm danh tiếng sau khi nhập ngũ… Kangta của H.O.T - được coi là nhóm nhạc nam Hàn Quốc đầu tiên đạt thành công bên ngoài đất nước - nhập ngũ vào năm 2008. Vài năm sau, nhóm tan rã.

So với những nhóm trước đó, BTS không chỉ duy trì tuổi thọ lâu bền hơn - nhóm nhạc hiện đã gắn bó với nhau được 9 năm - mà còn đạt sự nổi tiếng toàn cầu.

BTS không chỉ giành được hai đề cử giải Grammy và giải Brit, nhóm còn trở thành nghệ sĩ nhạc pop châu Á đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 vào tháng 5/2018 với Love Yourself: Tear. BTS đứng đầu bảng xếp hạng album với 4 album là Love Yourself: Answer, Map of the Soul: Persona, Map of the Soul: 7Be.

Nhóm nhạc đã giành được nhiều danh hiệu tại American Music Awards và Giải thưởng âm nhạc Billboard. Tầm vóc quốc tế của họ được chứng minh bằng việc hợp tác với các nghệ sĩ nhạc pop phương Tây nổi tiếng như Coldplay, The Chainsmokers, Lil Nas X, Lauv và Halsey.

Theo luật nghĩa vụ quân sự hiện hành, một số nam giới, cụ thể là những người từng đoạt huy chương Thế vận hội và Á vận hội, các nhạc sĩ cổ điển từng đoạt giải thưởng được công nhận trên toàn cầu có thể bỏ qua nghĩa vụ quân sự.

Tiền đạo Son Heung Min của Tottenham, chỉ tập 3 tuần cơ bản sau khi được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Anh được đặc cách sau khi đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc đánh bại Nhật Bản để giành HCV tại Asian Games 2018. Nghệ sĩ piano Cho Seong Jin cũng được miễn nghĩa vụ sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi piano Chopin Quốc tế lần thứ 17 vào năm 2015.

Tuy nhiên, bất chấp vô số lời khen ngợi, Korea JoongAng Daily chỉ ra các thành viên BTS không đủ điều kiện để được miễn trừ như Son Heung Min hoặc Cho Seong Jin.

Câu hỏi chính đặt ra là thành tích của BTS và các vận động viên, nghệ sĩ đã được miễn nghĩa vụ để quảng bá uy tín quốc gia có thể so sánh như thế nào?

Trong một cuộc thăm dò của Gallup Korea vào tháng 4, 60% nam giới và 57% phụ nữ được khảo sát cho biết họ ủng hộ việc sửa đổi luật nghĩa vụ quân sự để cho phép một số nghệ sĩ Kpop được miễn nghĩa vụ quân sự.

Sự phản đối xuất hiện nhiều nhất ở nam giới trong độ tuổi 18-29 và nam giới ở độ tuổi 40-60. 39% nam giới từ 18-29 tuổi và nam giới trên 60 tuổi phản đối việc miễn nghĩa vụ quân sự cho các nghệ sĩ Kpop. Cuộc thăm dò đã khảo sát 1.004 người từ 18 tuổi trở lên.

 Tranh luận quanh việc BTS được miễn nghĩa vụ quân sự.

Tranh luận quanh việc BTS được miễn nghĩa vụ quân sự.

Sự thúc giục phản tác dụng

Korea JoongAng Daily chỉ ra sau khi một đại diện từ công ty quản lý HYBE đề nghị các nhà lập pháp giải quyết vấn đề, dư luận có phần khó chịu.

“Sự không chắc chắn đang đè nặng lên chúng tôi. Hy vọng vấn đề có thể sớm được giải quyết”, Lee Jin Hyung - Giám đốc truyền thông của HYBE - cho biết tại một cuộc họp giao ban được tổ chức ngày 9/4 tại Las Vegas.

Đại diện nói thêm các thành viên BTS “cảm thấy khó khăn khi đối phó với sự không chắc chắn trong các hướng dẫn thay đổi liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

Chia sẻ trên đã phản tác dụng, tạo ra tâm lý tiêu cực chống lại HYBE cũng như BTS. Công chúng không hài lòng khi HYBE thúc giục chính phủ đưa ra quyết định nhanh chóng về việc miễn nhiệm vụ quân sự của các thành viên.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun nói với JoongAng Ilbo: “Cuộc thảo luận đã đến một thời điểm mà công chúng cảm thấy bối rối. Lý do là chính sách miễn trừ quân sự đã bị thúc đẩy bởi cách giải thích tùy tiện. Chính phủ cần giữ sự nhất quán trong các chính sách để tránh những tranh cãi về tính công bằng”.

Các chính trị gia và quan chức chính phủ nghĩ gì về việc miễn trừ cho BTS? Các quan điểm vẫn bị chia rẽ, Korea JoongAng nhận định.

Trong cuộc họp diễn ra tại Quốc hội vào ngày 17/5, Ủy viên Cục Quản lý Nhân lực Quân đội (MMA) Lee Ki Sik bày tỏ lo ngại về việc giảm nhập ngũ và đề cập đến sự cần thiết xem xét lại toàn bộ chương trình miễn nghĩa vụ quân sự của đất nước để thúc đẩy sự công bằng.

“Chúng tôi đang đi đúng hướng trong việc giảm các trường hợp được miễn trừ quân sự. Tuy nhiên, vấn đề đã được đưa ra một lần nữa với BTS. Điều quan trọng là chúng tôi phải xem xét lại liệu loại chương trình này có phù hợp hay không. Chúng tôi chú ý đến sự công bằng và bình đẳng. Đây vốn là những chủ đề chính trong cuộc trò chuyện giữa những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc”, Lee Ki Sik bày tỏ.

 Vấn đề của BTS gây tranh cãi suốt thời gian qua.

Vấn đề của BTS gây tranh cãi suốt thời gian qua.

Lập trường cơ bản của MMA là rất khó để giảm số lượng người nhập ngũ bằng bất kỳ cách nào vì quân đội những năm qua đã giảm số quân nhân do tỷ lệ sinh giảm.

Cựu Bộ trưởng Văn hóa Hwang Hee, người kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 12/5, lại có quan điểm khác.

Trong một cuộc họp báo được tổ chức trước khi rời nhiệm sở vào ngày 4/5, ông cho rằng nghệ sĩ văn hóa đại chúng được công nhận trên toàn cầu như BTS nên được phép miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc và thay bằng các chương trình khác.

Có lẽ điều cốt lõi của những cuộc tranh luận này là thực tế nếu được lựa chọn, hầu hết đàn ông Hàn Quốc không muốn nhập ngũ.

Theo một cuộc khảo sát năm 2019 do Viện Chính sách Phụ nữ Hàn Quốc thực hiện, 82,5% nam giới ở độ tuổi 20 sắp nhập ngũ cho biết họ tin rằng “tốt hơn là không nên đi nhập ngũ”. 65,3% người được hỏi nói họ nghĩ nghĩa vụ quân sự là mất thời gian.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-bts-bi-chi-trich-van-de-nhap-ngu-post1323458.html